Bức tranh “tối” của thị trường lao động

16/08/2013 03:53 AM


Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo “Thực hiện chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững Việt Nam – ILO giai đoạn 2012-2016” tại TP.HCM ngày 14-8.


Người lao động đăng kí tình trạng thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM. Ảnh: T.D.

Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện chương trình chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững Việt Nam – ILO, bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, sau gần một năm triển khai, Việt Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách về lao động -xã hội.

Đặc biệt, ILO đã hỗ trợ kĩ thuật hiệu quả trong việc xây dựng Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012 và hiện hỗ trợ kỹ thuật cho việc các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật trên và các luật mới khác. ILO cũng hỗ trợ tăng cường năng lực cho các thiết chế thực thi pháp luật, tiến hành trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu các luận cứ xây dựng chính sách về an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn bộc lộ một số hạn chế như các nội dung của chương trình vẫn chưa được phổ biến và triển khai ở tất cả các địa phương và cơ sở. Sự lồng ghép giữa các nội dung của chương trình với các chương trình, kế hoạch và dự án quốc gia do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý và do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện chưa hiệu quả…

Bức tranh thực trạng việc làm, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn khá ảm đạm. Ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, tỉ lệ có việc làm cao nhưng việc làm vẫn chủ yếu tập trung trong nông nghiệp, chiếm đến 47,5% tổng số việc làm. Việc làm không chính thức tăng từ 35,8% năm 2011 lên 36,6% vào năm 2012 (không kể lao động nông nghiệp).

Bên cạnh đó, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tăng cao nhưng chưa kiểm soát được. Đặc biệt, thu nhập và năng suất lao động rất thấp, chỉ chiếm 1/3 đến 1/2 so với các nước trong khu vực.

Tỉ lệ thất nghiệp không cao (chỉ 2%) nhưng "thất nghiệp" trá hình rất lớn, tỉ lệ thất nghiệp thanh niên cao, nhất là thanh niên thành thị (9-11%), thất nghiệp dài hạn nhiều. Trong khi đó, thông tin lao động, dịch vụ việc làm, đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp còn yếu kém…/.

Theo Báo Hải quan