Nửa cuối năm 2013, người lao động có bớt khó khăn?

19/07/2013 02:45 AM


Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2013 cả nước có 26.324 DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, những DN đang hoạt động tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động.

Nhu cầu tuyển dụng chỉ ở mức thấp

Số lượng DN giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng cao đồng nghĩa với khoản thu nhập chính bị ngừng trệ, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động. Với khoảng 400 lượt người đăng ký thất nghiệp và làm thủ tục hưởng trợ cấp tất nghiệp mỗi ngày, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội thống kê trong số này có đến 90% là lao động phổ thông, công nhân. Tuy nhiên, làn sóng giải thể DN không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng lao động trên mà còn tác động đến tất cả các loại hình lao động, bởi có trên 2% lao động trung cấp và cao cấp (có mức bảo hiểm thất nghiệp từ 4-6 triệu đồng/tháng) cũng nằm trong diện này.

Theo ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng đầu năm 2013 đang ở mức đáy của nhu cầu. Cụ thể, số lượng lao động phổ thông cần tuyển chỉ cần vài trăm (trong khi các năm trước là hàng ngàn) chủ yếu để thay thế những lao động nghỉ việc. Bên cạnh đó, phần lớn nhu cầu tuyển dụng 6 tháng đầu năm 2013 chủ yếu tập trung vào lao động đã có tay nghề, kinh nghiệm hoặc yêu cầu người lao động phải đảm nhiệm được nhiều vị trí khác nhau trong DN. Chính vì vậy, người tìm việc không có nhiều cơ hội lựa chọn nên họ cố gắng bám việc, thay vì nhảy việc tìm chỗ làm có lương, ưu đãi cạnh tranh hơn. Lao động có trình độ cao đẳng, đại học nhu cầu tuyển dụng lại càng ít hơn, chủ yếu là công ty mới thành lập hoặc các dự án mới triển khai. Vì thế ổn định nơi làm việc và mức lương là tâm lý chủ yếu của người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy có thể thấy rằng, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trong đầu năm 2013 rất hạn chế. Các DN không bị rơi vào tình trạng khát nhân lực do lao động nghỉ việc, nhảy việc như những năm trước. Hơn nữa, hiện nay các DN cũng đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng nguồn nhân lực hơn là số lượng. Do vậy, việc tuyển lao động ồ ạt không cần kinh nghiệm để bổ sung lao động bị thiếu đã phần nào được hạn chế tại các KCN - KCX. Điều này vừa giúp DN tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, đồng thời người lao động cũng yên tâm làm việc, không lo bị sa thải trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.

Đời sống sẽ bớt khó khăn hơn?

Để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp ở địa phương thực hiện nhiều giải pháp như: Thống kê, khảo sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động, với những DN gặp khó khăn và có nguy cơ nhiều người lao động bị mất việc thì xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể hỗ trợ DN và người lao động để hạn chế người lao động bị mất việc; tổ chức thực hiện đúng chế độ, đúng đối tượng và đúng thời hạn đối với người lao động bị mất việc làm, nhất là các chế độ về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm… Đồng thời tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động của các Trung tâm Giới thiệu việc làm để tạo điều kiện cho người lao động bị mất việc sớm tìm được việc mới cũng như tăng cường các hoạt động dạy nghề và hỗ trợ người lao động học nghề để người mất việc làm có điều kiện học nghề phù hợp. Ngoài ra, người lao động bị mất việc còn được ưu tiên hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm; có các biện pháp để khuyến khích người lao động tự tạo việc làm và thu hút thêm lao động. Đồng thời, sẽ thường xuyên theo dõi, hỗ trợ và có giải pháp thiết thực để hỗ trợ người lao động bị mất việc đang gặp khó khăn về đời sống và sinh hoạt…

Với DN tuyển dụng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích tuyển dụng người lao động bị mất việc làm để làm việc lâu dài tại DN, tổ chức… Những quan tâm tích cực từ các bộ, ngành đã phần nào mang lại diễn biến lạc quan và tích cực cho thị trường lao động giữa lúc DN còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra dự báo, 6 tháng cuối năm các DN vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn do khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, mới đây Chính phủ đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách vĩ mô như giảm lãi suất ngân hàng, mở rộng hạng mục cho vay và đặc biệt là gói 30.000 tỉ đồng nhằm cứu ngành xây dựng... Như vậy, vấn đề vốn cho DN sẽ được cải thiện. Theo đó, DN đã có thể tiếp cận lại với nguồn vốn vay để đầu tư vào nhiều lĩnh vực và sẽ tạo nhiều việc làm cho người lao động. Do đó từ quý III, nhiều khả năng thị trường việc làm sẽ sôi động hơn. Lúc đó đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động sẽ bớt khó khăn hơn. Trước mắt, những chính sách ổn định của Nhà nước lúc này nhằm áp dụng cho những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động như nhà ở, đi lại là rất cần thiết. Về phía người lao động khi mất việc cần lưu ý bảo vệ quyền lợi của mình. Bảo hiểm thất nghiệp sẽ là bến dừng chân cho người lao động khi tạm thời không có việc làm.

Theo HQOnline