1 năm tăng giá dịch vụ y tế: Thay đổi chưa nhiều

30/09/2013 08:57 AM


Sau 1 năm thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) đã quan tâm nâng cao chất lượng KCB, tuy nhiên, đó mới chỉ là những chuyển biến ban đầu.


Chờ khám ở BV Nhi TƯ. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, nhìn chung các cơ sở KCB đã có ý thức hơn trong việc nâng chất lượng KCB từ khâu đón tiếp, khám bệnh, cải cách thủ tục hành chính… đến việc trang bị đầy đủ thiết bị, thuốc, vật tư y tế phù hợp với cơ cấu giá mà Bộ Y tế đã xây dựng.

Anh Đoàn Như Bắc (tỉnh Nam Định) đưa bố đến khám tại BV Mắt TƯ chia sẻ: “Ngay tầng 1 Khoa Khám bệnh của BV có một đội ngũ nhân viên đón tiếp, hướng dẫn và tư vấn cho bệnh nhân cùng người nhà rất nhiệt tình. Đối với một người ở tỉnh mới ra BV Trung ương lần đầu tôi thấy rất hài lòng”.

Chị Nguyễn Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa con gái 2 tuổi đi khám tại BV Nhi TƯ cho biết mặc dù khu chờ khám rất đông người nhưng vẫn có đủ chỗ ngồi chờ, có quạt mát, phụ huynh và các cháu chờ khám cũng đỡ mệt mỏi hơn.”

Tuy nhiên, ông Lê Văn Phúc cũng cho biết đó mới chỉ là những chuyển biến ban đầu, ở nhiều cơ sở KCB vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Ông Phúc dẫn chứng: “Để bệnh nhân không phải nằm ghép giường, một số cơ sở y tế đã kê thêm giường vào buồng bệnh làm không gian phòng chật chội, đi lại khó khăn, không đảm bảo quy chuẩn; nhiều cơ sở còn ít sử dụng các trang thiết bị bảo hộ như: mũ, khẩu trang, gang tay, nước rửa tay, nước sát trùng trước, sau khi khám bệnh mặc dù các vật tư này đều nằm trong cơ cấu giá dịch vụ y tế; một số dịch vụ y tế được chỉ định rộng rãi với số lượng tăng nhiều như xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, hóa sinh máu; xét nghiệm tế bào cặn nước tiểu…”.

Tại BV Nhi Trung ương, bố của cháu Tự Thị Thu Thảo (tỉnh Hải Dương) phân trần: “Từ ngày cháu vào điều trị nội trú tại Khoa Tai-Mũi-Họng (ngày 11-13/9) hầu như ngày nào cháu cũng phải nằm ghép giường, mặc dù cháu bé nằm cùng giường con tôi chỉ đến bệnh viện khi có lịch tiêm nhưng nhiều lúc vẫn rất bất tiện”.

Chị Nguyễn Thị Thủy (Thanh Trì, Hà Nội) phân trần khi đưa mẹ đến khám thấp khớp ở BV Bạch Mai: “Mặc dù nghe mọi người nói phải đi từ 5-6 giờ sáng để xếp hàng lấy số đăng ký khám nhưng do chủ quan nên hơn 7 giờ sáng, hai mẹ con chị mới tới BV. Từ lúc đó cho đến lúc mẹ chị được khám phải chờ mất 3 tiếng đồng hồ”.

Nói về nguyên nhân hạn chế trên, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi TƯ, cho biết mỗi ngày BV đón tiếp và khám bệnh cho khoảng 2.500-3.000 bệnh nhân, ngày lễ là khoảng 1.000-1.500 người/ngày, tuy nhiên, lưu lượng người qua lại bệnh viện thì rất đông, khoảng 15.000-20.000 lượt người/ngày vì mỗi một cháu bé đến khám thường có 2-3 người đi cùng.

Để đáp ứng được lượng bệnh nhân trên đến khám, riêng trong 1 năm qua, mặc dù BV Nhi Trung ương đã mở thêm khoảng 20 phòng khám ban đầu, lên hơn 50 phòng để phục vụ người dân nhưng có những thời điểm (giao mùa) lượng người đến quá đông nên chỗ ngồi còn thiếu và nóng bức, một số người nhà bệnh nhân tỏ ra bức xúc. Bên cạnh đó, có một số bác sỹ do làm việc với cường độ lớn nên cũng chưa thể tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Còn PGS-TS Lê Ngọc Thành, Phó Giám đốc BV E, cho rằng mức tăng giá viện phí vừa qua mới chỉ tính 3/7 cấu thành, mức giá này còn quá thấp nên nhiều BV chưa đủ chi phí trực tiếp để thực hiện đầy đủ các dịch vụ y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, đến nay, phần lớn các tỉnh mới thu viện phí ở mức 60-80% mức giá tối đa, như vậy chưa đủ các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ. Với mức thu này nhiều BV vẫn rất khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí để duy trì hoạt động, nên chưa thể nâng cao chất lượng KCB một cách rõ rệt.

Theo Chinhphu.vn