Lạm dụng xét nghiệm: “Chiêu” kiếm tiền của bệnh viện?

30/08/2013 08:29 AM


Ít khi các bệnh viện tuyến trên chấp nhận kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của nhau và của tuyến dưới. Họ thường buộc bệnh nhân phải làm lại toàn bộ các giấy tờ xét nghiệm, chụp phim... khi chuyển viện hoặc khi vượt tuyến lên tuyến trên khám.


Bệnh nhân chờ lấy kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện K Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh

Thậm chí, họ cho rằng cả kết quả xét nghiệm… nhóm máu cũng không thể tin được. Đằng sau “yêu cầu” làm lại các chẩn đoán cận lâm sàng này là gì?

“Làm tiền” hay gây tốn kém cho bệnh nhân?

Anh N.Đ.P (Hà Nội) có người cháu ở Vĩnh Phúc bị tai nạn giao thông vào cấp cứu tại BV tỉnh, chụp CT não, bác sĩ nghi bị chấn thương sọ não nên viết giấy chuyển bệnh nhân về BV lớn ở Hà Nội. Khi vào BV này, anh P đưa cho BS phim chụp CT não,  nhưng vị BS không thèm liếc qua vẫn nói: “Chụp lại và làm thêm các xét nghiệm khác vì BV không chấp nhận các kết quả chiếu chụp ở chỗ khác.

Mấy tiếng đồng hồ rồi, biết đâu chảy máu thêm mấy chỗ nữa, không chụp lại làm sao phát hiện. Nếu không muốn chụp lại thì đưa bệnh nhân đi chỗ khác”. Anh P đành đóng hơn 2 triệu đồng để cháu mình chụp lại CT và sớm được mổ. Tấm phim chụp CT với giá hơn 2 triệu đồng, cùng các kết quả xét nghiệm tại BV tỉnh phải vứt vào sọt rác! Thế nhưng kết quả xét nghiệm bệnh viện tỉnh và bệnh viện lớn này không khác gì nhau!

Chị L.T.M là BS tại trung tâm y tế quận ở Hà Nội cho biết: “Biết là đến BV Tim mạch rất đông, tôi đã làm các xét nghiệm thông thường, chụp XQ phổi tại nơi mình làm. Khi mang các kết quả đó đến gặp BV Tim mạch cũng bị từ chối luôn, phải làm lại hết các xét nghiệm, ngay cả chụp X-quang phổi. Tôi rất bức xúc, phim chụp phổi ở đâu mà chẳng như nhau, chỉ có khác biệt ở người đọc kết quả chứ không ở phim chụp. Tôi là người trong nghề mà còn thấy vô lý, hỏi sao người dân không kêu ca(!?)”.

“Phi xét nghiệm, chiếu chụp, bất thành bệnh nhân”

Thời gian gần đây, tại TPHCM đang nở rộ mốt “thử máu tìm giun”. TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - chuyên gia về ký sinh trùng - cho biết: Nhiều cơ sở y tế cứ chỉ định cho bệnh nhân thử để phát hiện rất nhiều loại ký sinh trùng, kể cả những loại không có ở VN để... thu tiền.

BS Lưu Thị Thanh Huyền - PGĐ BHXH TPHCM - cũng nhận định: “Nhiều BS rất mạnh tay chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Điều đó đã làm đội giá chi phí khám - chữa bệnh lên rất nhiều. Như việc siêu âm, hầu như không còn BV nào ở TPHCM cho làm siêu âm trắng đen, dù loại siêu âm này vẫn có giá trị chẩn đoán. Các BV cho rằng người bệnh phải được thụ hưởng kỹ thuật cao cấp hơn là siêu âm màu. Hoặc chẩn đoán viêm xoang trước đây, chỉ cần chụp X-quang thường hoặc kỹ thuật số là được, nhưng nay nhiều BV cứ chỉ định cho chụp CT scanner xoang dù không thật sự cần”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không phải do người bệnh sử dụng nhiều kỹ thuật cao, giá trị tiền lớn dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHYT, mà nguyên nhân chính là việc lạm dụng xét nghiệm, kê đơn thuốc, loạn giá đấu thầu thuốc vào BV... Tư duy của BV là: BHYT chi trả, thanh toán nên BV sử dụng hàng loạt thủ thuật để thu tiền vốn về cho mình.

Một BS làm việc tại một BV ở Hà Nội tiết lộ: “Các BV hiện nay “sống khỏe” là nhờ vào các dịch vụ xét nghiệm, chiếu chụp. Với vỏ bọc “xã hội hóa”, một số người có vai vế trong BV góp tiền mua các loại máy móc hoặc liên doanh với các Cty đưa máy móc vào BV khai thác. Để làm phồng túi tiền của các BS, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm, chiếu chụp một cách vô tội vạ.

Lợi nhuận mà các BV thu được từ chụp X-quang khoảng 20%, từ các dịch vụ xét nghiệm sinh hóa có thể lên tới 40% do giá của các test, hóa chất xét nghiệm thường mua loại rẻ tiền. Cũng chính vì lợi nhuận mà nhiều BV không quan tâm nhiều đến độ chính xác của các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp. Việc không thừa nhận kết quả xét nghiệm, chiếu chụp của các BV khác chính là “chiêu” kiếm tiền “hợp pháp” của các BV.

Quay trở lại nguyên nhân dẫn đến nhân bản kết quả xét nghiệm tại BV Hoài Đức, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN - đã nhận định: “Theo thông tin của chúng tôi, tất cả những xét nghiệm nhân bản đều thực hiện từ nguồn máy xã hội hóa liên doanh liên kết với một đơn vị. Để quay vòng và thu hồi vốn nhanh, một số nhân viên BV đã không làm đúng quy trình để đỡ tốn hóa chất, đỡ tốn công sức, đỡ tốn tiền điện nước, đồng thời thống kê thanh toán BHYT nhằm thu hồi vốn nhanh nhất và lợi nhuận cao nhất”.

Theo Lao động