Trẻ em Mỹ: 16 triệu nghèo đói, 8 triệu không có BHYT

30/01/2013 07:40 AM


Ở đất nước được xếp vào nhóm văn minh nhất thế giới này, có tới 16 triệu em sống trong cảnh đói nghèo. Chính quyền Mỹ đã đưa ra nhiều lời hứa cho những nỗ lực cải thiện tình trạng này, nhưng có vẻ như lời hứa đó cho đến nay vẫn đang bị bỏ quên.


1/5 trẻ em Mỹ đang phải sống trong cảnh nghèo đói, 8 triệu trẻ không có bảo hiểm y tế, nước Mỹ đứng thứ 2 thế giới về tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở các quốc gia công nghiệp, hơn 1 triệu học sinh là vô gia cư, hơn 750.000 bé bị lạm dụng và bỏ rơi hàng năm và 1/5 số học sinh đã bỏ học trước khi tốt nghiệp trung học. Những con số đọc lên không miêu tả được một nước Mỹ hùng mạnh và phồn vinh, trái lại, là một nước Mỹ đang bế tắc trên con đường phát triển. Tầng lớp bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự phân rẽ trong nhiều vấn đề nội chính của Mỹ chính là trẻ em.

Thành tựu lớn gần đây nhất cho trẻ em ở nước này là việc chính phủ thông qua Chương trình Bảo hiểm sức khỏe trẻ em (CHIP) vào năm 1997. Luật này đã giúp cắt giảm tỷ lệ không có bảo hiểm cho trẻ em xuống dưới 10%. Tuy nhiên, sự thành công đó đã cách đây 16 năm và đã có một thế hệ trẻ em ở Mỹ đã lớn lên từ ngày ấy mà không có thêm bất kỳ tiến bộ nào đáng kể. Trên thực tế, trong thập kỷ qua, các chỉ số về trẻ em như KIDS COUNT và Child Well-Being Index đã vẽ ra một quỹ đạo đi xuống. Sau khi phân tích cẩn thận và xem xét các số liệu, các tổ chức Save the Children (Hãy cứu lấy trẻ em) và First Focus (Ưu tiên trước hết) đã xếp hạng Mỹ ở mức C- (mức trung bình thấp) về mức độ quan tâm đến trẻ em.

Điều rõ ràng là nhiệm vụ chính sách đã không làm được gì. Khi John Gomperts, người của "Nhóm Liên minh các lời hứa" ở Mỹ nói rằng cải cách giáo dục “là cần thiết nhưng không đủ”, ông thể hiện quan điểm rằng cải cách giáo dục không còn hướng đến giải quyết vấn đề tài trợ cho trường học, con em nghèo hay sức khỏe của trẻ em nữa, vì nó không còn hiệu quả. Thay vào đó, các chính sách cải cách cần hướng đến một cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống của những trẻ em bị lạm dụng như vấn đề kinh tế gia đình, nhà ở, sức khỏe tâm thần, lạm dụng chất gây nghiện và thậm chí là giáo dục cả cha mẹ của chúng. Đối với tuổi vị thành niên và các vấn đề pháp lý công, nước Mỹ cần thúc đẩy cải tiến hệ thống, thay đổi hệ thống pháp luật cho lứa tuổi này đã quá lạc hậu hiện nay – điều đã gây ra rất nhiều thất bại trong việc xử lý các vấn đề nghiêm trọng xảy ra.

Thật đáng ngạc nhiên là trong khi Mỹ đang dẫn đầu trên thế giới về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và thể thao thì nước này cũng dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, bạo lực trẻ em và trẻ em nghèo. Đáng ngạc nhiên hơn Mỹ, cùng với Somali và Sudan là 3 nước không phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Mặc dù trong suốt các bài hùng biện thể hiện mối quan tâm vĩ đại về quyền con người, nước Mỹ luôn đề cao tinh thần bảo vệ loài người nói chung và trẻ em nói riêng. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ làm được những điều họ nói. Để phát triển bền vững, nước Mỹ cần phải có một thế hệ trẻ vững vàng và mạnh mẽ. Tuy nhiên, họ sẽ không thể thu về được lợi nhuận nếu như họ không đầu tư cho “phi vụ làm ăn” này. Nước Mỹ sẽ phải mất nhiều thời gian để đưa ra được một tiêu chuẩn cao hơn cho trẻ em và trách nhiệm để thực hiện điều đó, quan trọng là họ cần tạo ra được một mối quan hệ giữa cha mẹ, trường học, cộng đồng trong việc phát triển mạnh mẽ về trí lực và thể lực của thế hệ tương lai.

Theo Cafe F