Hy Lạp: Quỹ BHXH cạn tiền, ngành dược phẩm sống nhờ... giày dép

30/01/2013 07:17 AM


(VTV) - Nếu nhìn vào những đôi giày trong một cửa hàng ở Hy Lạp, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một cửa hàng thời trang, hay cụ thể là một cửa hàng giày. Nhưng không phải vậy. Đó là cửa hàng bán thuốc tây.


Người Hy Lạp đang phải đối mặt với cơn bĩ cực lớn nhất thế kỷ

Trước khi cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát mạnh mẽ tại Hy Lạp vào năm 2009, kinh doanh cửa hiệu thuốc được xem là ngành phát đạt. Ước tính đã có khoảng 11.000 hiệu thuốc trên toàn đất nước Hy Lạp được mở ra. Kể từ khi xảy ra khủng hoảng, đã có khoảng vài nghìn cửa hiệu trong số đó bị đóng cửa. Nguyên nhân thì nhiều, song nguyên nhân chính vẫn là việc họ bị Chính phủ Hy Lạp nợ tiền. Vì tiền thanh toán thuốc cho các cửa hiệu thuốc tại Hy Lạp không phải lấy trực tiếp từ người dân, mà lấy từ Quỹ BHXH của Chính phủ. Nhưng nay, khi ngân sách đã cạn tiền, Quỹ này đang bị xem là vỡ nợ, khiến cho hàng nghìn cửa hiệu thuốc tại Hy Lạp điêu đứng.

Nếu muốn mua giày, đương nhiên, ngay lập tức, bạn sẽ phải tìm đến cửa hàng giày. Nhưng tại Athens Hy Lạp thì chưa chắc. Nếu nhìn vào những đôi giày trong một cửa hàng ở Hy Lạp, nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một cửa hàng thời trang, hay cụ thể là một cửa hàng giày. Nhưng không phải vậy, đây là cửa hàng bán thuốc tây. Không chỉ bán giày dép, họ còn bán cả mỹ phẩm - đó là cách tiết kiệm của cửa hàng thuốc trong bối cảnh khủng hoảng. Tại hiệu thuốc Pharmathen trên một con phố lớn của thủ đô Athens, Hy Lạp, nhiều chiếc kệ vốn chỉ dành để bày thuốc thì nay phải nhường chỗ cho giày dép, son phấn… Bà Vassilios, chủ cửa hiệu thở dài, không có đống giày dép, son phấn này thuốc cũng chẳng có trên kệ để mà bán: “Ở Hy Lạp, hầu hết người dân đều đóng BHXH. Đóng quỹ tức là họ đã trả tiền thuốc cho nhà nước trước rồi, nên họ chỉ cần mang hóa đơn đến lấy thuốc, họ sẽ không cần trả tiền mặt cho các hiệu thuốc. Còn chúng tôi sẽ được Quỹ BHXH của nhà nước trả tiền sau đó. Nhưng khổ nỗi là Quỹ này giờ cạn sạch tiền, không có để mà trả cho chúng tôi  nữa. Thế nên, tất cả tiền bán giày và các mặt hàng khác đều dành để nhập thuốc mới về. Bạn có thể không tin nhưng đúng là giày dép đang cứu sống cửa hàng thuốc chúng tôi”.

Quỹ BHXH Hy Lạp hiện có 9 triệu khách hàng, chiếm 90% dân số, là nơi trả tiền cho phần lớn thuốc của người dân. Tuy nhiên, với khoản nợ kỷ lục, 350 triệu euro, giờ quỹ này gần như mất khả năng thanh toán. Hậu quả là riêng tại Athens, hiện đã có hàng trăm cửa hiệu thuốc buộc phải đóng cửa. Các chuyên gia dự đoán, trong vòng 2 năm tới sẽ có khoảng 4000-5.000 cửa hiệu như thế bị đóng cửa, đó là hậu quả tất yếu của quá trình bùng nổ các cửa hiệu thuốc tây trên toàn Hy Lạp. Dược phẩm từng được xem là ngành kinh doanh béo bở, một vốn bốn lời, nên đã có thời tại Hy Lạp, nhà nhà mở hiệu thuốc tây, người người lao vào thuốc tây. Quỹ BHXH khi đó chỉ làm nhiệm vụ chi trả tiền mà không thèm kiểm soát các hiệu thuốc. Các hiệu thuốc mặc sức bắt tay với các bác sĩ kê đơn, kê càng nhiều thuốc càng tốt. Hậu quả là túi tiền của chính phủ Hy Lạp đã bị vẹt đi một góc lớn. Ông Petros Diplas, chuyên gia kinh tế độc lập cho biết: “Khó có thể tưởng tượng ra rằng, hàng chục năm nay, không một đơn thuốc nào trong đơn của 11 triệu dân Hy Lạp đều không bị kê vượt so với số thuốc họ cần thực sự, mà vượt tới 9, 10 lần. Quỹ BHXH như một cái máy ngốn tiền, chỉ biết chi, chi và chi”.

18 tháng nay, hiệu thuốc của bà Vassilios Katsos chưa nhận được bất cứ một đồng thanh toán nào từ Quỹ BHXH. Không phải mở ra theo phong trào, mà cả ba thế hệ nhà Katsos đều đã gắn chặt với cửa hiệu thuốc này. "Không thể để nó chết!". Bà chủ cửa hiệu dốc lòng với phóng viên như thế. Vậy nên ở đây, những dược sĩ giờ phải có thêm một kỹ năng nữa, đó là không chỉ biết đọc toa thuốc, mà còn phải biết nhìn chân khách hàng để tư vấn, tại sao họ nên đi giày cỡ 36,5 chứ không phải 36!