Khắc phục hạn chế trong quản lý nhà nước về giáo dục, y tế và hưu trí

23/01/2013 01:44 AM


Sáng nay 18/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo "Đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, y tế và hưu trí ở Việt Nam".

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mặc dù đã đạt được nhiều thành công nhất định, nhưng công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và hưu trí ở nước ta vẫn đang bộc lộ không ít hạn chế.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trong vai trò điều tiết và định hướng, công tác này chưa thực hiện đúng vai trò của nhà nước, có sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước, thiếu hụt nguồn nhân lực.. Với vai trò "Nhà tài trợ", công tác quản lý nhà nước có hiệu quả sử dụng các nguồn tiền từ ngân sách cho giáo dục, y tế còn thấp; chưa huy động được sự tham gia tích cực của khu vực ngoài nhà nước; cách thức tài trợ chưa hợp lý; và còn yếu kém trong việc đánh giá hiệu quả tài trợ của nhà nước trong 3 lĩnh vực. Trong chức năng cung cấp dịch vụ trực tiếp, các dịch vụ được cung cấp cho 3 lĩnh vực này có chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, đồng thời một số loại hình dịch vụ công thiết yếu còn chưa được cung cấp đầy đủ về số lượng.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng cải tiến chức năng định hướng và điều tiết trong quản lý nhà nước ở các lĩnh vực giáo dục, y tế và hưu trí, đi đôi với đổi mới chức năng "nhà tài trợ". Đặc biệt, cần huy động sự tham gia tích cực của các chủ thể xã hội khác trong cung cấp dịch vụ giáo dục và y tế.

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội còn đề xuất, riêng đối với quản lý nhà nước về lĩnh vực hưu trí, Việt Nam nên xây dựng thí điểm chính sách hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp tham gia bảo hiểm hưu trí tương tự như bảo hiểm y tế nhằm thu hút, khuyến khích người dân tham gia ban đầu và giảm gánh nặng lâu dài của ngân sách nhà nước. Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu thực hiện xã hội hóa các công đoạn cụ thể trong nghiệp vụ bảo hiểm xã hội: Tổ chức thu bảo hiểm xã hội qua hệ thống cơ quan thuế; tổ chức chi trả bảo hiểm xã hội thông qua các dịch vụ bảo đảm an toàn, tiết kiệm hơn, như bưu chính - viễn thông, ngân hàng chính sách xã hội, thẻ ATM...

Đáng chú ý, chuyên gia cao cấp - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khuyến nghị, cần đặt công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và hưu trí ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và có sự phối hợp liên ngành trong cả nước, nhằm đưa tới những dịch vụ  ngày càng tốt hơn cho người dân.

Theo KT&ĐT