Nhiều doanh nghiệp tăng trợ cấp cho công nhân

09/08/2013 08:46 AM


Vật giá tăng liên tục nhiều năm qua khiến lương không theo kịp. Tuỳ theo lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp có những động thái chia sẻ với mức độ khác nhau để “cùng nhau vượt khó”.


Nhiều doanh nghiệp tổ chức hỗ trợ công nhân bữa ăn trưa. Ảnh: Hương Mai

Nhiều tháng nay chị Minh và hàng ngàn công nhân khác của công ty Palace không còn phải lo lắng đến khoản tiền phòng trọ nữa, bởi họ được công ty xây nhà ở lưu trú miễn phí trước tình cảnh tiền phòng trọ liên tục tăng giá. Không những thế, nếu công nhân nào không vào khu lưu trú thì họ vẫn được công ty hỗ trợ 150.000 đồng mỗi tháng để thuê phòng trọ. “Công nhân may mặc thu nhập thấp, không đủ trang trải trong thời buổi giá cả leo thang nên chúng tôi rất cảm kích khi được công ty hỗ trợ tiền nhà trọ”, chị Minh tâm sự.

Tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 còn có công ty may Đức Bổn cũng áp dụng chính sách tương tự. Công nhân một số doanh nghiệp còn được hỗ trợ tiền xăng, hoặc được công đoàn trích quỹ mua thực phẩm về bán giá gốc cho công nhân. Vào ca từ 7 giờ sáng, 4 giờ 30 chiều tan ca, hàng ngàn công nhân công ty may Thái Bình, Dĩ An – Bình Dương đổ xô xuống căntin để mua thực phẩm với giá… “hữu nghị”. Chị Đỗ Thị Tình, công nhân công ty Thái Bình nói đây là gian hàng do công đoàn công ty tổ chức. Tiền mua hàng được trích từ nguồn quỹ công đoàn viên đóng góp hàng tháng. Mỗi ngày vào buổi sáng sớm, người của công đoàn sẽ xuống các chợ đầu mối lấy rau củ quả, thịt, mắm muối, gia vị chở về, bán với giá gốc chứ không tính lời. “Họ tổ chức bán vào các giờ trước ca và sau ca làm việc mỗi ngày. Giá các mặt hàng đều rẻ hơn 30 – 40% so với bên ngoài nên công nhân chủ yếu mua ở đây chứ ít khi phải ra chợ”, chị Tình cho biết.

Ông Lê Văn Chính, cố vấn của Soncamedia (quận 1, TP.HCM) cho biết, khi xăng tăng giá, ban giám đốc công ty đã chi thêm tiền xăng cho toàn bộ nhân viên theo công thức: cứ 30km (tính cả chiều đi và về) sẽ được cấp 1 lít xăng. Người lao động ở Soncamedia còn được tặng thêm phần bảo hiểm y tế cho tứ thân phụ mẫu, vợ (hoặc chồng) và con. Được biết, mức thu nhập của công nhân tại Soncamedia là 3,5 triệu đồng/tháng, chưa tính hai tháng lương thưởng và những khoản hỗ trợ đột xuất khác. “Với mức lương 3,5 triệu đồng, người lao động không sống nổi. Tính toán sơ sơ, phải 7 triệu đồng/tháng mới sống tạm đủ. Chúng tôi biết điều đó nhưng không còn cách nào hơn. Khi nào thị trường hanh thông, lợi nhuận cao, chúng tôi sẽ bù thêm cho người lao động”, ông Chính nói. Với chính sách như vậy, cũng theo lời ông Chính, dù mức lương thấp nhưng khi nghe công ty tuyển 5 công nhân, công ty đã nhận 50 hồ sơ xin việc.

Trong khi đó, dù thị trường ế ẩm nhưng ông Trần Quang Bình, giám đốc công ty SXTM Trần Quang vẫn cố gắng “không giảm lao động”, nhưng yêu cầu nhân viên công ty chia sẻ bằng cách chấp nhận giữ nguyên mức lương cũ chứ không tăng theo định kỳ. Theo lời ông Bình, thay vì cố gắng tìm đủ việc cho 80% lao động, còn 20% phải giảm, thì công ty Trần Quang vẫn giữ đủ người vì lý do “họ là những người đã gắn bó với công ty từ nhiều năm nay. Bây giờ lúc khó khăn mà đuổi họ, bất nhẫn quá!” Vì không đuổi người, trong khi công việc lại có ít nên công ty Trần Quang cho phép nhân viên được giảm giờ làm còn 5 tiếng/ngày. “Cứ làm hết việc là tốt rồi. Có người chỉ làm năm tiếng đồng hồ mỗi ngày nhưng vẫn nhận đủ lương. Dù không tăng lương nhưng không có ai thắc mắc chuyện này!”, ông Bình nói.

Ông Lê Quang Định, phó tổng giám đốc công ty dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) cũng cho biết, hiện nay Cadivi chưa có chính sách tăng lương mà trước mắt chỉ “bù lỗ” cho người lao động tiền xăng xe, nếu kinh doanh thuận tiện mới tính tiếp chuyện lương bổng. Đang khảo sát thị trường miền Tây Nam bộ, ông Đỗ Khoa Tân, giám đốc công ty điện tử Biên Hoà (Belco) than phiền thị trường nhóm hàng điện tử sa sút khá nghiêm trọng. Theo lời ông Tân, khi vật giá tăng từng ngày, từng tháng, “Về lý thuyết, phải tăng lương cho người lao động nhưng kinh doanh đang khó khăn, giữ được mức lương cũ đã là cố gắng của doanh nghiệp”, ông Tân cho biết.

Theo Báo SGTT