Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho lao động nữ

09/08/2013 08:38 AM


Trong 5 năm qua, bên cạnh việc tích cực tổ chức các hoạt động nhằm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, các cấp Công đoàn trong cả nước đã chủ động áp dụng đúng các chế độ, chính sách đối với lao động nữ, tạo việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống cho lao động nữ.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ góp phần ổn định, phát triển bền vững cho các doanh nghiệp - Ảnh: PC

Là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, trong 5 năm qua (2008 – 2013), các cấp Công đoàn đã thể hiện vai trò đại diện của mình trong việc chủ động tham gia có hiệu quả với cơ quan nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chú trọng lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực: Lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động…

Đặc biệt, các cấp Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng một số chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp tới lao động nữ, bình đẳng giới. Những quy định về lao động nữ trong Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội, các nghị định của Chính phủ thi hành Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn đã thường xuyên tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với lao động nữ trong các thành phần kinh tế. Các cấp Công đoàn đã tham gia kiểm tra hơn 5.000 cuộc, kiến nghị giải quyết 1.200 trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chính sách với lao động nữ; đề xuất với Nhà nước và doanh nghiệp sửa đổi những nội dung như: Ưu đãi với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách thai sản, nghỉ dưỡng sức với lao động nữ, ưu tiên đảm bảo việc làm cho lao động nữ, đảm bảo điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện với lao động nữ.

Điểm nhấn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho lao động nữ nhiệm kỳ qua là Tổng Liên đoàn Lao động phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các Liên đoàn Lao động địa phương, Công đoàn ngành Trung ương tổ chức khảo sát tình hình thực hiện chính sách lao động nữ và nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời trong 1.500 lao động nữ ở 12 tỉnh, thành phố tập trung nhiều khu công nghiệp, từ đó, chủ động tham gia xây dựng các văn bản liên quan đến vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo đáp ứng nhu cầu chính đáng của lao động nữ, nhất là lao động nữ đang làm trong các khu công nghiệp tập trung.

Trong năm 2012, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành tại 5 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố Chương trình hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc. Qua Chương trình, đã có gần 5.000 lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và khoảng 40.500 lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang làm việc ở 25 doanh nghiệp được hưởng thụ từ Chương trình.

Từ việc triển khai chương trình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất các biện pháp giải quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, thiết chế văn hoá tại các khu công nghiệp tập trung và nơi có đông lao động nữ. Nhiều đơn vị, địa phương đã có những hình thức đa dạng hóa công tác chăm lo nhà trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp. Điển hình như ở thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương có nơi đã tổ chức thành công mô hình công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp xây dựng và quản lý nhà trẻ, mẫu giáo cho con em nữ công nhân, lao động.

Cũng trong 5 năm qua, nhằm hỗ trợ gia đình lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, các cấp Công đoàn đã giúp đỡ thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ vốn, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ vì nữ công nhân lao động cho hàng nghìn công nhân nữ được vay vốn với tổng số tiền là hơn 60 tỷ đồng. Cũng từ nguồn quỹ trên, Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố đã cho gần 800 đơn vị, doanh nghiệp vay vốn để phát triển, thu hút thêm 5.000 lao động nữ, tạo việc làm mới cho gần 3.500 lao động nữ, giải quyết việc làm thêm cho trên 5.700 người.

Cùng với việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho lao động nữ, các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua khác. Các cấp công đoàn đã cụ thể hóa các nội dung, tiêu chuẩn thi đua cho phù hợp với đơn vị, cơ sở; tôn vinh, biểu dương kịp thời các tài năng sáng tạo nữ, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và các cuộc vận động. Trong 5 năm qua, đã có gần 1.200 tập thể, cá nhân được Tổng Liên đoàn tặng bằng khen phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn các cấp tiếp tục quan tâm chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ. Trong đó, tăng cường các hoạt động phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao đông nữ, trọng tâm là pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bình đẳng giới; chú trọng ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước có đông lao động nữ; tham gia với các cấp, các ngành và cơ sở tạo điều kiện tốt hơn cho lao động nữ trong học tập, lao động, công tác, nghiên cứu khoa học và chăm sóc gia đình; phối hợp với lãnh đạo chuyên môn, đơn vị doanh nghiệp có nhiều hình thức thiết thực phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, kỹ năng sống…cho lao động nữ./.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản