Cuộc sống người cao tuổi: còn nhiều nỗi lo
09/10/2013 02:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thống kê của Hội Người cao tuổi Việt Nam cho thấy 61% người cao tuổi (NCT) sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình, 39% NCT vẫn đang phải làm việc với những công việc tự tạo, thu nhập thấp và không ổn định, 17% NCT thuộc diện nghèo…Hơn nữa với mức hỗ trợ 180.000 đồng/tháng thì rất khó để NCT sống đủ, chứ nói gì tới thụ hưởng.
Lay lắt vì không có… lương hưu
Trong muôn vàn nỗi sợ như: sợ bệnh tật, sợ con cái hắt hủi, sợ chết…thì nỗi sợ không có lương hưu hoặc lương quá thấp cũng đáng sợ không kém với NCT.
Ở tuổi 78 nhưng ông Nguyễn Văn Thuần, thôn Gốc Gạo, thị trấn Gia Khánh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc vẫn phải sớm tối "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm sống. Vợ chồng ông sinh được hai người con, 1 trai, 1 gái đều đã lập gia đình nhưng cuộc sống cũng khó khăn nên ông không thể trông mong sự hỗ trợ từ các con. Cuộc sống của hai vợ chồng ông trông vào 2 sào ruộng và mấy con gà, vịt chính vì vậy bữa cơm của ông bà cũng chỉ quanh đi quẩn lại với rau dưa, cà đậu.
"Gần 80 tuổi rồi chứ ít gì, giờ ngày ốm, đau nhiều hơn ngày khỏe nhưng vẫn phải cố làm, không làm lấy gì mà ăn. Gắng 2 năm nữa đủ tuổi theo quy định hàng tháng sẽ có… lương”, tuy ít ỏi (180.000đồng/tháng – PV) nhưng với NCT ở nông thôn như chúng tôi quý giá lắm. Tôi có thể đợi được đến ngày ấy, chứ bà nhà tôi giờ yếu lắm rồi”- Ông Thuần tâm sự.
70 tuổi nhưng bà Lý Thị Tào ở Lương Sơn, Hòa Bình đã có thâm niên làm nghề giúp việc 12 năm ở Hà Nội. Cũng nhờ thâm niên này nên bà mới được đặc cách làm việc dù đã ở tuổi 70. Tuy nhiên, mức lương bà được nhận cũng chỉ được 1,8 triệu chứ không được 3 triệu như những người khác. Song với bà đây cũng là cơ hội để bà tích lũy cho những lúc ốm đau.
"Ở với gia đình nhà chủ 12 năm nên họ cũng không bắt mình làm việc nặng, hàng ngày cũng chỉ giặt giũ, lau dọn nhà nhưng nhà cao tầng đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhất là lúc trở giời, các khớp đau nhức nhưng dù vậy vẫn phải cố, được tháng nào là được thêm tiền tháng ấy, giờ về quê cũng chỉ tăng gánh nặng cho con cháu. Có tới 5 đứa con nhưng chúng nó còn chưa nuôi được vợ, con, nó làm sao nuôi được mình”- Bà Tào kể.
So với gia cảnh hai trường hợp trên thì bà Nguyễn Thị Đào ở thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội khá hơn vì bà được hưởng lương trợ cấp vợ liệt sỹ. Song dù đã khá tằn tiện trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng với mức lương trợ cấp 1.050.000đồng/tháng vẫn phải giật gấu vá vai, nhất là khi ốm đau thì số tiền ấy cũng chỉ đủ mua thuốc.
Đảm bảo quyền cho NCT
Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho NCT như: chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội… Tuy nhiên theo ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam, hiện cả nước có hơn 9 triệu NCT nhưng chỉ có khoảng 2,97 triệu NCT (chiếm 39% tổng số người cao tuổi) được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình. Hiện 39% người cao tuổi ở Việt Nam vẫn đang phải làm việc với những công việc tự tạo, thu nhập thấp và không ổn định, 17% người cao tuổi thuộc diện nghèo.
Luật NCT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010, được xem là một hệ thống chính sách toàn diện nhằm bảo đảm NCT được chăm sóc và phát huy vai trò quan trọng của mình trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai đã bộc lộ khá nhiều điểm bất cập. Điển hình như quy định NCT từ 80 tuổi trở lên mới được hưởng trợ cấp, mức hỗ trợ quá thấp…
Đại diện Hội NCT Việt Nam cho biết, hiện nay độ tuổi trung bình của NCT Việt Nam là 72 tuổi; NCT sống chủ yếu ở nông thôn với tỷ lệ 72,9%, phần lớn là những người lao động vất vả, đời sống còn khó khăn, thu nhập còn thấp. Các báo cáo nghiên cứu đánh giá gần đây cũng cho thấy, phần lớn các thế hệ NCT hiện nay sinh trưởng trong thời kỳ chiến tranh nên hầu hết không có điều kiện bảo vệ sức khỏe; 95% NCT có bệnh (chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây truyền) nhưng có tới 30% NCT không có bảo hiểm y tế, 50% NCT không có khả năng chi trả chi phí điều trị. Chính vì vậy, độ tuổi được hưởng trợ cấp là quá cao sẽ khiến nhiều NCT mất cơ hội được hưởng chính sách đậm tính nhân văn của Nhà nước Nhiều đại biểu QH đã thẳng thắn cho rằng, chính sách hỗ trợ NCT là chính sách hết sức nhân văn của Nhà nước song mức hỗ trợ quá thấp chỉ 180.000 đồng/tháng trong khi đó mức hỗ trợ cho người cai nghiện là 900.000 đồng/tháng (?). Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, nâng mức trợ cấp từ 180.000 đồng lên 270.000 đồng/tháng/người; giảm tuổi được hưởng trợ cấp xuống 75 tuổi. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp nên Chính phủ đang cân nhắc...
Theo ông Đàm Hữu Đắc bên cạnh việc tăng hỗ trợ của Nhà nước thì cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền của NCT bởi có không ít người vẫn coi NCT là gánh nặng.
Theo Báo Đại đoàn kết
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT