"Già trước khi giàu": Thách thức của hệ thống An sinh xã hội
04/10/2013 02:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc già hoá dân số nhanh chóng trong khi thu nhập của người Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp, đang đặt ra những thách thức cho hệ thống An sinh xã hội, bởi việc chăm sóc sức khỏe hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi.
"Già trước khi giàu"
TS. Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, tốc độ già hóa dân số ở nước ta thời gian tới sẽ không phải 0,4% nữa mà sẽ là 0,5% - 0,6% và đến năm 2025, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số "già". Số lượng người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác. Năm 1999, số cụ trên 100 tuổi là 3.000 cụ thì năm 2009 là 7.200 cụ. Việt Nam hiện có khoảng 8,15 triệu người cao tuổi, chiếm 9,4% dân số. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số vào năm 2017, tức là dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2017. TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) đánh giá, già hoá dân số phản ánh những thành công trong phát triển con người. Xã hội có nhiều người cao tuổi không phải là gánh nặng, mà là một thành tựu. Giai đoạn già hoá dân số ở Việt Nam chỉ diễn ra khoảng 17 - 20 năm, nhanh hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới, như Nhật Bản 26 năm, Thái Lan 22 năm, Thuỵ Điển 85 năm...
Thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ cho thấy, đời sống vật chất của người cao tuổi nước ta còn rất nhiều khó khăn. Có tới 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất để an hưởng tuổi già và vẫn phải lao động hàng ngày để kiếm sống; 60% người cao tuổi trong hoàn cảnh khó khăn; 37% ở mức trung bình và chỉ có 1% các cụ có cuộc sống dư giả; 20% các cụ có cuộc sống tinh thần thoải mái. Dù cao tuổi, song khoảng 95% các cụ phải chịu gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là các bệnh mãn tính. Trong khi đó, người cao tuổi chủ yếu sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, thường sống với con cháu, nhiều người sống không có bạn đời... Số cụ bà cô đơn cao gấp 5,4 lần so với cụ ông và phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân cũng cao gấp 2,2 lần so với nam giới.
Nan giải bài toán chăm sóc người cao tuổi
Theo bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), mức độ bao phủ của các chính sách trợ giúp xã hội chưa bao quát được hết các nhóm người cao tuổi gặp khó khăn, những người cao tuổi sống dưới mức chuẩn nghèo. Trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng xã hội sống tại cộng đồng chỉ bằng 21% so với tiền lương tối thiểu; so với chuẩn nghèo nông thôn mới cũng chỉ bằng 45%. Nhiều người cao tuổi hưởng trợ cấp lại là những người sống trong các gia đình nghèo, trong đó 15% khó có thể đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu. Hiện nay, trợ cấp hưu trí và trợ cấp xã hội hàng tháng được coi là nguồn thu nhập chính của người cao tuổi, nhưng mức độ bao phủ của các chương trình này còn thấp. Trong tương lai của xã hội dân số già, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn... Tất cả những khó khăn đó sẽ là một thách thức to lớn nếu chúng ta không có một chính sách, chiến lược thích ứng.
Lo cho tuổi già từ khi còn trẻ
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, cả nước hiện chỉ có 3 tỉnh thành có khoa lão khoa, còn lại các bệnh viện không có khoa dành riêng cho công tác chăm sóc người cao tuổi; các dịch vụ công như y tế, chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi hiện chưa phát triển hoặc phát triển chậm... Trong khi chi phí chăm sóc y tế cho 1 người cao tuổi gấp 8 lần cho một đứa trẻ. Do đó việc thực hiện chính sách xã hội nói chung và chăm sóc y tế nói riêng đối với người cao tuổi còn hạn chế. Luật Người cao tuổi quy định: "Người cao tuổi được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ"; Nhà nước "Phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi". Tuy nhiên, việc thực thi Luật Người cao tuổi ở nước ta còn chưa thực sự được quan tâm, đẩy mạnh, nhiều người không hiểu về người cao tuổi; người cao tuổi có lúc, có nơi vẫn bị kỳ thị, phân biệt đối xử như "gánh nặng xã hội"; nhiều nơi con, cháu ngăn cản các cụ tham gia sinh hoạt hội...
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cùng với việc ban hành và thực thi các chính sách pháp luật về người cao tuổi, cần phải phát triển mạnh các dịch vụ công; đặc biệt đẩy mạnh thiết lập và cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội nhân thọ; tích cực triển khai các dự án thí điểm và tăng cường các mô hình bảo hiểm xã hội đa dạng. UNFPA cho rằng, Việt Nam cần làm chậm quá trình "già" theo cách "già hóa dân số chủ động": khuyến khích người cao tuổi tiếp tục tham gia hoạt động xã hội, làm kinh tế và tự chăm sóc sức khỏe cho mình tốt hơn. Điều quan trọng nhất chính là giáo dục ý thức mỗi cá nhân về việc "lo cho tuổi già từ khi còn trẻ". Bởi lo cho mình cũng chính là cho gia đình, cộng đồng và các thế hệ tương lai".
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội:
NCT sống ở miền núi trong điều kiện rất khó khăn, tuổi thọ trung bình thấp hơn các khu vực khác, lại nhiều bệnh tật. Do đó, họ đề nghị giảm tuổi đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội (không có lương hưu) từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Thậm chí với cụ ông là 70 tuổi, cụ bà là 75 tuổi". Tôi cũng đề nghị đưa tội "bất hiếu" vào Bộ luật Hình sự, bởi nhiều người cao tuổi còn bị con cái đối xử tệ bạc, hành hạ, bỏ đói.
Theo VOV News
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT