Phải tăng chất lượng sống cho người nghỉ hưu

20/08/2013 09:36 AM


Ngày 19-8, tại TP. HCM, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức hội thảo "Lấy ý kiến dự  thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chính sách Bảo hiểm hưu trí bổ sung (BHHTBS) ở Việt Nam”.


Người hưu trí cũng cần có bảo hiểm xã hội. Ảnh: Hoàng Long

BHHTBS khác với BHHT cơ bản là BHHTBS chỉ có sự tham gia trực tiếp của người sử dụng lao động và người lao động, sự tham gia hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện giữa hai bên. Nhà nước không tham gia trực tiếp vào quản lý hoạt động của BHHTBS nhưng Nhà nước có chính sách quản lý việc đóng, hưởng, đầu tư quỹ, giám sát việc tổ chức thực hiện và có chính sách ưu đãi về thuế cho các đối tượng tham gia. Theo TS Phạm Trường Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, có 80 nước trên thế giới đã triển khai BHHTBS, trong khối APEC chỉ còn duy nhất Việt Nam chưa triển khai loại hình này. Vì chỉ có tầng hưu trí cơ bản nên ở Việt Nam phần lớn người nghỉ hưu chỉ có nguồn lương hưu duy nhất với mức lương hưu bình quân ở mức 3 triệu đồng/người/tháng nên rất khó đảm bảo nhu cầu của người nghỉ hưu. Mặt khác, vì mức lương hưu thấp nên việc điều chỉnh lương hưu thường gắn với việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung, thực trạng này làm tăng chi cho ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho việc điều chỉnh lương hưu hàng năm trên 3.000 tỷ đồng và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Hiện nay Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động chiếm 60% dân số nhưng cơ cấu này chỉ duy trì được khoảng 30 năm, sau đó là đến thời kỳ dân số già và quá trình già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra giai đoạn 2020-2050 sẽ nhanh nhất châu Á với dự báo đến năm 2050 sẽ có 30% dân số Việt Nam trên 60 tuổi.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020, trong đó nêu rõ " áp dụng thêm các loại bảo hiểm xã hội mới phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Thí điểm chính sách BHHTBS”, Vụ Bảo hiểm xã hội đã xây dựng chính sách BHHTBS ở Việt Nam. Theo đó mức đóng góp do người sử dụng lao động, người lao động thỏa thuận, với quy định từ 5-22% tiền lương hàng tháng của người lao động. Chính sách miễn thuế đối với các khoản đóng góp BHHTBS: người lao động được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân, người sử dụng lao động thì khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự kiến lộ trình thực hiện thí điểm BHHTBS sẽ bắt đầu từ tháng 1-2014.

Theo điều tra của Bộ LĐTBXH trong 700 DN ở Hà Nội và TP. HCM, có 70% DN được khảo sát mong muốn và sẵn sàng tham gia cho người lao động vào quỹ hưu trí bổ sung. Ông Phạm Minh Huân- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, thời gian qua nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, các tập đoàn này thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động thông qua việc đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung của các quốc gia có chính sách này. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa hình thành khung khổ pháp lý cho chính sách này nên người lao động làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam không được thụ hưởng quyền lợi từ chính sách BHHTBS khi hết tuổi lao động.

Được sự phân công của Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp đầu năm 2014, trong đó nổi bật là nội dung về chính sách BHHTBS.

Nguồn Đại đoàn kết