Kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 1/7: Thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân
28/06/2013 09:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1 tháng 7 hàng năm là “Ngày BHYT Việt Nam”. Ngày 1/7/2009 cũng là thời điểm Luật BHYT chính thức có hiệu lực. Nhân kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam năm nay, PV báo BHXH đã trao đổi với ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) về những kết quả sau 4 năm thực hiện Luật BHYT.
*PV: Nhìn lại chặng đường 4 năm thực hiện Luật BHYT, theo ông, đâu là những kết quả nổi bật nhất?
- Ông Phạm Lương Sơn: Có thể nói, 4 năm qua, sự phối hợp trong triển khai thực hiện Luật BHYT giữa BHXH Việt Nam và các bộ, ngành ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Với sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT, BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện tốt BHYT cho các nhóm đối tượng như người nghèo, ưu đãi xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, HSSV. Hằng quý, lãnh đạo BHXH Việt Nam và lãnh đạo Bộ Y tế đều tổ chức giao ban, thống nhất giải quyết các khó khăn, vướng mắc và các biện pháp thực hiện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng đã tích cực vào cuộc cùng ngành BHXH, ngành Y tế tổ chức triển khai có hiệu quả Luật. Kết quả là số người có BHYT tăng nhanh; quyền lợi người tham gia BHYT được mở rộng; Quỹ BHYT phát triển ổn định và cân đối thu chi, thực hiện được các mục tiêu cơ bản của chính sách BHYT.
Nếu như năm 2010, cả nước có 52,4 triệu người tham gia BHYT, bằng khoảng 60% dân số, thì đến hết năm 2012 có khoảng 59,4 triệu người tham gia, tăng 13,9% so với năm 2010, bao phủ hơn 66% dân số. Đặc biệt, tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc có tỉ lệ bao phủ BHYT khá cao, đạt tới 77% dân số. Các tỉnh như: Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên đã có tỉ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số. Năm 2010, số thu BHYT cả nước đạt 25.540,6 tỷ đồng (tăng 95,94% so với 2009), năm 2011 là 29.369,4 tỷ đồng tăng 14,99% so với 2010); năm 2012 là 39.286,6 tỷ đồng (tăng 13,37% so với năm 2011).
Năm 2010, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng KCB BYT với 2.176 cơ sở y tế; năm 2011 là 2.303 cơ sở; năm 2012 là 2.453 cơ sở, trong đó 471 cơ sở ngoài công lập; ngoài ra còn có 9.476 cơ sở y tế tuyến xã và tương đương đã tham gia KCB BHYT. Trong năm 2010, Quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB cho trên 102 triệu lượt người bệnh có thẻ BHYT, tăng 21% so với năm 2009. Năm 2011, có trên 114 triệu lượt người KCB BHYT, tăng 12% so với năm 2010. Năm 2012, có 121 triệu lượt người KCB BHYT, tăng trên 6% so với năm 2011.
Năm 2009, tổng chi KCB BHYT là 15.481 tỷ đồng thì đến năm 2012 ước chi 33.419 tỷ đồng, mỗi năm gia tăng khoảng 33%. Từ năm 2010 đến 2012, Quỹ BHYT luôn đảm bảo cân đối và có kết dư, nguồn tài chính của Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch và phân cấp trong hệ thống đã đảm bảo an toàn trong công tác quản lý và đem lại hiệu quả cho hoạt động đầu tư, tăng trưởng Quỹ.
*PV: Trong việc thực hiện Luật BHYT, theo ông, còn có những hạn chế, tồn tại gì?
- Ông Phạm Lương Sơn: Đến nay vẫn còn trên 30% dân số chưa tham gia BHYT, trong đó có các nhóm phải tham gia BHYT theo lộ trình Luật BHYT quy định nhưng vẫn không tham gia đầy đủ. Nguyên nhân là do Luật BHYT quy định nhiều nhóm đối tượng mới nhưng chỉ quy định tham gia BHYT theo cá nhân mà không theo hộ gia đình nên chưa đảm bảo nguyên tắc chia sẻ cộng đồng, dẫn đến chỉ người già, ốm mới tham gia.
Mặt khác, các văn bản hướng dẫn Luật chưa quy định đầy đủ trách nhiệm các cấp, các ngành trong tổ chức tham gia BHYT như trách nhiệm của UBND cấp xã phải lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi; trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH trong việc bình xét, lập danh sách hộ cận nghèo, xây dựng và công bố tiêu chí hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; trách nhiệm của ngành GD-ĐT trong thực hiện BHYT HSSV.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về BHYT còn thiếu và chưa đủ mạnh; nhiều đối tượng Luật quy định “có trách nhiệm tham gia” như HSSV, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng lại không có chế tài xử phạt khi không tham gia. Nhiều DN cố tình trốn đóng, nợ đóng BHYT do mức xử phạt vi phạm hành chính quá thấp. Ngay như quy định trẻ em dưới 6 tuổi khi chưa có thẻ BHYT được sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh thay thế để đi KCB vô hình trung đã tạo nên tâm lý không cần thẻ BHYT.
Ngoài ra, nhận thức của một số chủ SDLĐ, NLĐ và nhân dân về chính sách BHYT đầy đủ. Chủ SDLĐ cố tình trốn tham gia BHYT, trong khi NLĐ không dám đấu tranh đòi quyền lợi của mình. Cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật mà phải thông qua các cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan chức năng nên nhiều vụ việc xử lý chậm, không kịp thời.
Bên cạnh đó, Luật BHYT quy định mức đóng có giới hạn, nhưng không giới hạn mức hưởng tối đa cho một lần KCB; chưa quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản; chi phí KCB ban đầu tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương chênh lệch rất lớn so tuyến huyện, tuyến xã gây nên sự mất công bằng và thiếu hiệu quả trong sử dụng Quỹ BHYT. Việc quy định được hưởng BHYT khi KCB vượt tuyến, trái tuyến đang dẫn đến quá tải BV, tăng chỉ định dịch vụ tuyến trên trong khi cơ sở KCB ban đầu không kiểm soát được chuyển tuyến và bị động trong sử dụng Quỹ. Giá các DVYT ngày càng cao do áp dụng Thông tư 04/2011/TTLT-BYT-BTC từ cuối năm 2012 đã đẩy chi phí y tế ngày càng tăng cao. Trong khi đó, trách nhiệm của các cơ sở KCB trong việc quản lý sử dụng Quỹ BHYT chưa cao, tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT vẫn tiếp diễn...
*PV: Vậy, thông điệp của Ngày BHYT Việt Nam năm nay là gì, thưa ông?
- Ông Phạm Lương Sơn: Chủ đề của Ngày BHYT Việt Nam năm nay được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất là: “Thúc đẩy tiến trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân”, nhằm xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt không những của hệ thống BHXH mà còn là của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 và Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm này, BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho từng nhóm đối tượng, từng địa phương phù hợp với đặc điểm KT-XH. Theo đó, đối với các nhóm đối tượng đã đạt tỉ lệ bao phủ trên 90% thì tiếp tục duy trì tỉ lệ bao phủ và các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, tăng cường tiếp cận các dịch vụ y tế đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT. Đối với một số nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia thấp, cùng với giải pháp chung như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT, vận động tham gia, tăng cường tính hấp dẫn của BHYT, tổ chức các đại lý BHYT bảo đảm người có nhu cầu được tiếp cận với thông tin về BHYT và thuận lợi cho người dân tham gia BHYT...
*PV:Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày BHYT năm nay.
*Tại Lào Cai, BHXH tỉnh đã treo băng- rôn tại trụ sở BHXH tỉnh và BHXH các huyện, TP; phối hợp với Sở Y tế xây dựng Kế hoạch Tổ chức các hoạt động truyền thông về BHYT trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2013; phối hợp với Đài PT-TH tỉnh thông tin về kết quả 4 năm thực hiện Luật BHYT, đặc biệt là công tác KCB BHYT tại các xã khó khăn; phối hợp với Đài Truyền thanh các huyện phát các bài về BHYT trong đĩa CD 10 bài tuyên truyền về BHXH, BHYT.
*Tại Cao Bằng, trong đợt tuyên truyền kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam năm 2013, BHXH tỉnh đã treo băng- rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về BHYT; chỉ đạo, hướng dẫn nội dung tuyên truyền với BHXH các huyện, thành phố; phát hành các ấn phẩm truyền thông.
BHXH tỉnh cũng đã tổ chức gặp mặt với đại diện lãnh đạo các cơ quan phối hợp công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT gồm: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, Báo Cao Bằng, Đài PT-TH Cao Bằng, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tỉnh; đề nghị các cơ quan tiếp tục tích cực phối hợp tuyên truyền về BHYT nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về lĩnh vực này.
Đại diện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đề nghị các cơ quan báo chí của tỉnh làm tốt hơn công tác thông tin chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, trước mắt, cần tập trung tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 121 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 gắn với việc triển khai Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
*Tại Bắc Giang, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tổ chức treo băng- rôn, khẩu hiệu tại trụ sở; phối hợp Phòng VH-TT huyện treo băng- rôn tại các trục đường chính với khẩu hiệu “Vì an sinh xã hội, vì hạnh phúc của mỗi nhà, mọi người hãy tham gia BHYT”, “Sức khỏe cộng đồng gắn liền với BHYT toàn dân”, “Thực hiện nghiêm luật BHYT nhằm đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước”. Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng phối hợp Sở Y tế tổ chức tuyên truyền về Ngày BHYT ngay tại các cơ sở KCB BHYT.
Nguồn Báo BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT