Hội thảo về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tại Việt Nam và Hàn Quốc
05/06/2013 09:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng ngày 04/06/2013, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho người lao động Hàn Quốc (COMWELL) tổ chức hội thảo “ Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tại Việt Nam và Hàn Quốc”.
Đồng chí Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng, TS. Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, ông Shin Young Chul, Chủ tịch Cơ quan Phúc lợi lao động Hàn Quốc, ông Kim In, Trưởng đại diện văn phòng KOICA tại Việt Nam cùng đại diện Bộ LĐ- TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, lãnh đạo một số ban nghiệp vụ BHXH Việt Nam, các chuyên gia đến từ Cơ quan Phúc lợi lao động Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trường, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng, nhấn mạnh, trong những năm qua BHXH Việt Nam đã giải quyết chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cho hàng vạn người lao động, quản lý quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, gây thiệt hạn lớn về tài sản, sức khỏe và sinh mạng của người lao động. Ngoài việc thực hiện kịp thời các chế độ đền bù cho người lao động thì công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là vô cùng cần thiết, nhằm phòng ngừa và giảm thiểu các tai nạn lao động. Hội thảo được tổ chức sẽ là diễn đàn bổ ích để trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách và thực hiện chế độ tai nạn lao động tại Việt Nam và Hàn Quốc, gợi mở những giải pháp thiết thực nhằm thực hiện tốt hơn các chính sách đền bù cho người lao động trong thời gian tới.
Chủ tịch Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho người lao động Hàn Quốc, ông Shin Young Chul chia sẻ, hội thảo về chế độ tai nạn lao động được tổ chức đánh dấu sự hợp tác giữa BHXH Việt Nam và COMWELL. Thông qua cuộc thảo luận hai bên chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch cụ thể hợp tác trong thời gian tới để triển khai hiệu quả hơn trong việc xây dựng các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động tại Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là yếu tố cần thiết đảm bảo cho quyền lợi người lao động cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Tại hội thảo, Đồng chí Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, thuộc Bộ LĐ TB-XH trình bày tham luận về tình hình thực hiện chính sách tai nạn lao động tại Việt Nam. Theo đó, mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 17.000 vụ tai nạn lao động; lĩnh vực sản xuất hay xảy ra tai nạn lao động nhất là khai khoáng, xây dựng, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất. Một số vụ tai nạn lao động lớn xảy ra trong các năm vừa qua như vụ sập cầu nhịp dẫn cầu Cần Thơ (năm 2007) khiến 54 người chết, 80 người bị thương; vụ đổ cần cẩu giàn tại cảng Cái Lân, Quảng Ninh (năm 2008), khiến 7 người chết, 1 người bị thương nặng. Số liệu điều tra cho thấy, tai nạn lao động thực tế gấp khoảng 30 lần số báo cáo… Báo cáo của đồng chí Nguyễn Hùng Cường, Phó Ban Thực hiện chính sách BHXH, thuộc BHXH Việt Nam đưa ra con số cụ thể hơn về tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tại Việt Nam trong thời gian qua. Cụ thể từ năm 1995-2012, số người được giải quyết chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp là 93.000, trung bình khoảng 5.500 người/năm. Trong đó trợ cấp hàng tháng là 38.000 người (trung bình 2.300 người/năm, chiếm 42%); trợ cấp một lần là 56.000 người (trung bình 3.300 người/năm, chiếm 58%), gồm cả chết do tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp là 9000 người (trung bình 530 người/năm). Số người được hưởng trợ cấp hàng tháng là 46000 người (tính đến cuối năm 2012); số tiền chi (cả một lần) là 430 tỷ đồng/năm, bằng 11% số thu vào quỹ BHXH năm 2012.
Những khó khăn thách thức trong việc thực hiện chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam cũng được chỉ ra như: người sử dụng lao động vẫncó tâm lý chưa sẵn sàng tham gia, chưa có đội ngũ cán bộ am hiểu về vệ sinh an toàn lao động, triển khai hoạt động cải thiện điều kiện lao động…Các quy định về chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp còn hạn chế, như còn có trường hợp tai nạn lao động chưa có trong quy định, chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm lập biên bản điều tra tai nạn lao động…Bên cạnh đó, việc người sử dụng lao động chưa thực hiện tốt công tác khai báo, điều tra, lập biên bản tai nạn lao động, báo cáo tình hình tai nạn lao động theo quy định cũng là một trở ngại lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động khi xảy ra tai nạn. Trong thời gian tới Luật BHXH được sửa đổi, bổ sung, trong đó hoàn thiện hơn quy định về chế độ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bổ sung các trường hợp được hưởng chế độ và quy trình lập thủ tục hồ sơ…Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh lao động và công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh tích cực hơn.
Ông Lee Young Ho, Trưởng ban Đăng ký Bảo hiểm, thuộc Cơ quan Phúc lợi lao động Hàn Quốc trình bày tại hội thảo quá trình phát triển mở rộng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tại Hàn Quốc. Đặc trưng của chế độ bảo hiểm tai nạn tại Hàn Quốc là theo nguyên tắc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tuyệt đối; chủ sở hữu lao động chịu toàn bộ chi phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm tai nạn lao động = Tổng thu nhập × tỷ lệ phí bảo hiểm tai nạn lao động. Trong đó thu nhập là khoản tiền sau khi trừ đi thu nhập không chịu thuế từ tổng thu nhập lao động theo luật thuế thu nhập; tỷ lệ phí bảo hiểm được tính riêng theo từng loại ngành nghề, tùy theo mức độ nguy hiểm phát sinh tai nạn lao động của mỗi ngành nghề. Có 58 loại công việc được xác định các tỷ lệ phí bảo hiểm khác nhau, trong đó tỷ lệ thấp nhất là 0,6% (ngành bảo hiểm tín dụng, dịch vụ kỹ thuật); cao nhất là 34% (ngành khai thác than). Trường hợp phát sinh tai nạn lao động khi doanh nghiệp chưa đăng ký thành lập (trong thời hạn phải đăng ký), doanh nghiệp sẽ bị truy thu 50% tiền đóng bảo hiểm cho người bị tai nạn lao động, trong vòng 01 năm; áp dụng mức phạt dưới 3 triệu won với doanh nghiệp không thực hiện đăng ký thành lập, đăng ký giải tán, không khai báo tổng thu nhập, khai báo tiền bảo hiểm.
Các đại biểu của BHXH Việt Nam và COMWELL cũng trao đổi nhiều ý kiến tại hội thảo nhằm tìm hiểu chi tiết các quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tại Việt Nam và Hàn Quốc; làm rõ những điểm khác biệt trong chính sách thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn tai hai nước, cũng như tìm hiểu những kinh nghiệm hay trong việc tổ chức thực hiện chính sách.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại hội thảo. Mặc dù có một số điểm khác biệt cả về chính sách và tổ chức thực hiện, nhưng với cùng mong muốn ngày càng thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm tai nạn cho người lao động, BHXH Việt Nam và Cơ quan Phúc lợi và đền bù cho người lao động Hàn Quốc đã cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm quá báu. Đồng chí Đỗ Văn Sinh hy vọng sự hợp tác giữa hai cơ quan sẽ tiếp tục phát triển hơn trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Toàn cảnh hội thảo
Lãnh đạo BHXH Việt Nam và COMWELL trao đổi bên lề hội thảo
Đồng chí Lê Bạch Hồng tặng quà lưu niệm cho Ông Shin Young Chul, Chủ tịch COMWELL
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Nguồn TC BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT