Đà Lạt: Đẩy mạnh liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương

08/06/2022 08:03 AM


Đà Lạt là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều thuận lợi để liên kết phát triển các lĩnh vực kinh tế mà địa phương có ưu thế cạnh tranh như du lịch và sản xuất - chế biến nông sản công nghệ cao. Từ nhiều năm nay, tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tới địa phương đầu tư các dự án sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản chất lượng cao như rau, hoa, cà phê, chè và du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
 
Chủ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đặc trưng cho du khách
Chủ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đặc trưng cho du khách
 
Với những đặc điểm tự nhiên đa dạng về địa hình, khí hậu, hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan, Đà Lạt đã và đang phát triển đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch như: du lịch tham quan các danh lam thắng cảnh, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch canh nông; du lịch gắn với tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội,... thu hút đông đảo du khách và bạn bè quốc tế tham quan, thưởng ngoạn. Ngoài ra, Đà Lạt cũng đang từng bước xây dựng, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách như du lịch canh nông gắn với quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. 
 
Bên cạnh du lịch, Đà Lạt còn là trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước. Với định hướng tập trung đầu tư phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, Đà Lạt đã có bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp công nghệ cao và được xem là trung tâm sản xuất nông nghiệp hiện đại tiên phong của cả nước. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt đạt gần 7.000 ha. Qua đó, thành phố đã cấp nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 762 nhãn hiệu, bao gồm “Cà phê Cầu Đất” đã cấp được 21 nhãn hiệu, 46 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt” và 21 nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt”. Gần đây nhất, thành phố đã hoàn thiện đề cương chi tiết của Đề tài “Xây dựng mô hình trồng giống khoai lang mật được nhân cấy bằng kỹ thuật invitro cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tà Nung”, “Xây dựng mô hình trồng trà hoa vàng xen các loại cây công nghiệp và cây ăn quả”. Hoàn tất hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Atiso Đà Lạt gửi Cục Sở hữu trí tuệ. Riêng tháng 5/2022, cấp 20 nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, lũy kế 5 tháng đầu năm cấp 126 nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, riêng Nhãn hiệu “Cà phê Cầu Đất” đã cấp được 1 nhãn hiệu và cấp 4 nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt”. Điều này cho thấy thành phố đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư phát triển chất lượng nông nghiệp và các sản phẩm đặc trưng thế mạnh để phục vụ phát triển kinh tế địa phương và góp phần phát triển du lịch.
 
Thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung đã ký kết chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai,... Theo đó, tập trung hợp tác vào công tác quản lý Nhà nước, đầu tư phát triển sản phẩm, tuyên truyền - xúc tiến - quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch,... tạo điều kiện hỗ trợ, bổ sung cho nhau về nhiều mặt, thúc đẩy giao lưu văn hóa, khẳng định sự thiết thực của chương trình liên kết, hợp tác. Các chương trình liên kết nhằm phát huy tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương trong vùng liên kết; hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch của từng địa phương và thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch... Với tiềm năng sẵn có, lượng du khách đến Đà Lạt đã tăng đáng kể qua các năm, chất lượng tour du lịch có những bước đột phá. Nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, các điểm tham quan du lịch cũng đang khẳng định thương hiệu, được du khách đánh giá cao về chất lượng dịch vụ. Hiện nay, thành phố Đà Lạt có trên 160 doanh nghiệp, 1 Liên hiệp Hợp tác xã và 50 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, các doanh nghiệp, mô hình về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hoạt động tương đối hiệu quả, đặc biệt là thực hiện tốt việc cung ứng một số dịch vụ như: Cung cấp vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình liên kết còn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, từng bước nâng cao giá trị, sản phẩm trên đơn vị diện tích.
 
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian tới, thành phố đã đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp để tăng hơn nữa tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương. Trong đó, đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kết nối giữa Đà Lạt với các tỉnh Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Tập trung xây dựng và hình thành các trung tâm logistics lớn ở các vùng trong cả nước, đặc biệt là các mô hình trung tâm phân phối lớn nhằm tăng cường công tác quản lý chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô lớn, bảo đảm việc theo dõi và truy xuất thông tin hàng hóa nhanh chóng, chính xác đối với việc sản xuất và lưu thông, phân phối hàng hóa. Đẩy mạnh phối hợp, liên doanh, liên kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp địa phương với các doanh nghiệp ngoài thành phố nhằm tổ chức các chương trình quảng bá xúc tiến, xuất bản và phân phối các ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch thực sự phù hợp và hiệu quả...
 
NGUYÊN THI

Báo Lâm Đồng