Ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHYT sửa đổi

25/11/2014 09:03 AM


Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2014/NĐ-CP (ngày 15/11/2014) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật BHYT sửa đổi). Trong đó quy định cụ thể đối tượng, mức đóng, mức hỗ trợ BHYT…

 

KCB 080714.jpg
Ảnh minh họa

Với quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc, ngoài những nhóm tham gia BHYT theo trách nhiệm đóng đã quy định cụ thể trong Luật BHYT sửa đổi (NLĐ và người sử dụng lao động, tổ chức BHXH, NSNN, NSNN hỗ trợ mức đóng, và tham gia theo hộ gia đình), Nghị định 105 đã bổ sung quy định cho một số nhóm đối tượng khác chưa được điều chỉnh trong Luật. Theo đó, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30 tháng 5 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ (về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khoẻ nay già yếu phải thôi việc) được chuyển hình thức tham gia BHYT do NSNN đóng (theo Luật BHYT 2008) sang nhóm do tổ chức BHXH đóng. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình sẽ tham gia BHYT theo nhóm NSNN hỗ trợ.

Về mức đóng BHYT, Nghị định quy định từ ngày 01/01/2015, mức đóng BHYT hằng tháng của các đối tượng bằng 4,5% các mức thu nhập (các trường hợp đang hưởng chế độ trợ cấp thai sản, trợ cấp thất nghiệp cũng  đóng bằng 4,5% tiền trợ cấp). Mức hỗ trợ đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo; HSSV; hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp… theo quy định của Luật BHYT sửa đổi.

Theo Nghị định, người tham gia BHYT khi đi KCB theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật sẽ được hưởng 100% chi phí KCB trong các trường hợp: KCB tại tuyến xã; chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở; người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục); người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.

Đặc biệt, các đối tượng: người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được hưởng 100% chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Mức hưởng 95% sẽ áp dụng với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân của người có công với cách mạng; bgười thuộc hộ gia đình cận nghèo. Các đối tượng còn lại hưởng 80%.

Về phương thức thanh toán chi phí KCB, Nghị định quy định áp dụng theo định suất đối với cơ sở KCB BHYT ban đầu (trừ các dịch vụ y tế ngoài định suất). Còn lại thanh toán theo phí dịch vụ và thanh toán theo trường hợp bệnh. Nghị định cũng quy định chi tiết về trách nhiệm của BHXH Việt Nam trong việc phân bổ và sử dụng Quỹ BHYT; quản lý và sử dụng quỹ dự phòng; chi phí quản lý quỹ BHYT; hoạt động đầu tư từ quỹ BHYT; quyết toán và lập kế hoạch tài chính… Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn