Nghiên cứu thành lập Ủy ban năng suất lao động

25/11/2014 02:52 AM


Năng suất lao động là cơ sở để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của tiền lương. Đề án thành lập Ủy ban năng suất lao động đang được xây dựng để tạo cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm thực hiện hiệu quả chính sách tiền lương.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, chính sách tiền lương có đã nhiều điều chỉnh để phần nào theo kịp những biến chuyển của thị trường. Đặc biệt, chính sách tiền lương đã tách bạch tiền lương khu vực hành chính, sự nghiệp (phụ thuộc ngân sách) và tiền lương đối với sản xuất, kinh doanh theo thỏa thuận. Một bước tiến lớn trong thời gian qua là đã luật hóa xác lập mức lương tối thiểu qua cơ chế 3 bên (Hội đồng tiền lương quốc gia) phù hợp với nguyên tắc thị trường và các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Những thách thức cụ thể trong việc thực hiện chính sách tiền lương, đó là khả năng nền kinh tế vẫn hạn chế do dân số đông, lực lượng lao động nhiều nhưng năng suất lao động còn thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam có khoảng 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 10 triệu lao động. Trong đó, 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (trong đó siêu nhỏ chiếm trên 65%), phần lớn gia công, năng suất lao động thấp, giá trị tạo ra không cao, năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động hạn chế dẫn đến tiền lương có xu hướng bị ép.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng cần hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và toàn cầu, các chính sách, thực tiễn điều chỉnh tiền lương cần được cải thiện để tạo sự cân bằng giữa thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp với giúp người lao động cũng được hưởng thành quả công bằng từ tăng trưởng năng suất của doanh nghiệp. Xác lập tiền lương cần dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, phản ánh nhu cầu của người lao động, gia đình họ, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nói chung. Vụ phó Vụ Lao động-Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH Tống Văn Lai cho rằng, để xác lập mức lương tối thiểu phù hợp với thực tế cần phải có đầy đủ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn. Một trong những cơ sở liên quan nhiều đến tiền lương, bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững của tiền lương là năng suất lao động. Vấn đề này hiện nay ở Việt Nam chưa được nghiên cứu đúng mức. Vì vậy, Chính phủ đã giao cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu về Đề án thành lập ủy ban năng suất lao động.

Theo Tổ chức ILO, tại Việt Nam, chỉ khoảng một phần ba số lao động có việc làm được hưởng lương - nguồn thu nhập chính. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%). Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này với thế giới bởi tỷ lệ lao động làm công ăn lương trên tổng số lao động có việc làm được dự báo là sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới. Ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, những thách thức được đặt ra với Việt Nam hiện nay là: Tác động của lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, xác định lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, vấn đề thỏa ước lao động… Vì vậy, cần kiên trì phối hợp theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế để điều tiết hợp lý tiền lương giữa các ngành, vùng và doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ thương lượng tiền lương, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.

WB: Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động dựa trên sáng tạo

Theo một báo cáo nghiên cứu chung giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tuy trước đây Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trong nghiên cứu khoa học, nhưng theo tiêu chuẩn hiện đại, hệ thống đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay chỉ mới đang manh nha. Năng lực khoa học, công nghệ và sáng tạo còn yếu, hệ thống sáng tạo quốc gia còn non trẻ và manh mún. Hệ thống nghiên cứu và phát triển của cả Nhà nước và khu vực tư nhân đều cần được tiếp tục cải thiện. Ông Andrew Wyckoff, Giám đốc Khoa học, kỹ thuật và đổi mới sáng tạo của OECD, chia sẻ: "Thách thức của Việt Nam lúc này là đạt mức tăng trưởng cao và bền vững trong điều kiện môi trường quốc tế kém sôi động hơn. Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước". Dưới góc độ đối tác phát triển quan trọng của Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: "Tăng cường cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với việc phải đầu tư sớm vào năng lực phát triển công nghệ hiện đại. Làm được như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu".

Một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và sáng tạo ở Việt Nam như: Cải thiện khuôn khổ thể chế về đổi mới sáng tạo như khung kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh, mức độ cạnh tranh, hệ thống thuế… Ngoài ra, cần tăng cường quản trị công trong hệ thống đổi mới sáng tạo với việc đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lực phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, đảm bảo cho các tổ chức Nhà nước vận hành tốt và các bộ phận trong hệ thống đổi mới sáng tạo gắn kết với nhau và tạo ra một chỉnh thể thống nhất. Các khuyến nghị về tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo bao gồm Việt Nam cần đảo chiều việc chảy máu chất xám thành thu hút chất xám, thúc đẩy trao đổi kiến thức giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu của Nhà nước và khu vực doanh nghiệp; cần đẩy mạnh sáng tạo trong các doanh nghiệp, nâng cao mức độ đóng góp của các cơ quan nghiên cứu Nhà nước; tăng cường các mối liên kết trong đổi mới sáng tạo bằng cách tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu của Nhà nước.

Theo Chinhphu.vn, ĐCSVN