10% người lao động Việt Nam sức khỏe yếu

13/11/2014 07:56 AM


Hiện VN có khoảng 10% người lao động sức khỏe loại 4, 5 (sức khỏe yếu) - Đó là thông tin do Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Chỉ tính riêng khu vực có quan hệ lao động thì tai nạn lao động làm chết mỗi năm trung bình 700 người. Trong giai đoạn 2006 - 2013, chỉ tính riêng khu vực tham gia BHXH, số người chết do tai nạn lao động là trên 5.300 người (gần 700 người chết mỗi năm), trên 40.000 người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người được hưởng trợ cấp hằng tháng từ cơ quan BHXH do bị tai nạn lao động là trên 37.000 người”. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Chuyền, do “việc tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước”.

Chính vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng khi xây dựng luật này là “chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tăng cường cải thiện điều kiện lao động”. Thảo luận tại tổ, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành luật. Đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) còn băn khoăn: “Lần này luật giao cho cấp xã thống kê về tai nạn lao động. Tôi rất băn khoăn, bởi người ta đi lao động ở nơi khác, khi có tai nạn chết người hoặc tàn tật mới đưa về địa phương. Trên thực tế tai nạn lao động xảy ra rất nhiều nhưng tôi chưa thấy xử lý vụ nào cả, phần lớn khi lao động chết người thì chủ sử dụng lao động hỗ trợ gia đình nạn nhân một ít tiền là xong. Đề nghị bổ sung chế tài xử lý vi phạm vào dự thảo luật, đồng thời quy định doanh nghiệp có số lượng lao động đến mức nào đó thì buộc phải có cán bộ chuyên trách về an toàn vệ sinh lao động".

Một trong những bất cập hiện nay là quá thiếu thanh tra về an toàn lao động, cần được tăng cường. Cục An toàn lao động cho hay, trước năm 2003, cả nước chỉ có hơn 100.000 DN và lực lượng thanh tra ATVSLĐ lúc đó khoảng 400 người. Tới nay, số lượng DN trong nước khoảng 700.000 và số lượng thanh tra làm công tác ATVSLĐ chỉ còn khoảng 150 người, trong đó, có những tỉnh không có cán bộ kỹ sư làm công tác thanh tra ATVSLĐ, nên công tác thanh tra cũng gặp nhiều khó khăn. Với lực lượng thanh tra như hiện nay, tỉ lệ thanh tra được cho các DN khoảng 0,22%. Nếu mở rộng sang đối tượng không có quan hệ lao động, lớn gấp khoảng gần 2 lần so với số lượng có quan hệ lao động, nếu không có lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ thì chắc chắn chúng ta không thể làm tốt công tác ATVSLĐ. Mà công tác thanh tra ATVSLD lại rất đặc thù, vừa thanh tra con người thực hiện chính sách, vừa thanh tra máy móc thiết bị ATVSLĐ trong quá trình sử dụng; thanh tra những điều kiện làm việc như ồn, rung, bụi… có vượt ngưỡng hay không; điều tra khi có TNLĐ để giải quyết chính sách cho người lao động. Theo tính toán, nếu cả nước tăng từ 1 đến 2 người thì cả nước sẽ có thêm khoảng 1.000 thanh tra ở cấp huyện. Việc tăng này là cần thiết vì nếu tăng được lực lượng này thì việc phòng ngừa tai TNLĐ và BNN, giảm được tỷ lệ TNLĐ chết người, không có gì đánh đổi được.

Rà soát những nơi có rủi ro cao về tai nạn lao động

Ngày 7/11, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị thực hiện ngay việc rà soát, thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động tại những nơi làm việc có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, nơi đông người, đặc biệt tập trung chú ý các công trình xây dựng tiếp giáp với các khu đông dân cư, đường giao thông đông người đi lại, các mỏ khai thác đá, nơi làm việc có yếu tố độc hại. Sau vụ tai nạn lao động gây chết người tại công trình đường sắt trên cao tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc rà soát ngay thời điểm này sẽ chặn kịp thời những hành vi vi phạm. UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm yêu cầu người sử dụng lao động tạm đình chỉ ngay hoạt động và tiến hành khắc phục đối với những nơi thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xử phạt nghiêm những trường hợp không chấp hành. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn, vệ sinh lao động ở nơi đông người theo Điều 227 Bộ luật Hình sự, thì đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét, khởi tố.

Theo 24h.com.vn, DTO