Công nhân: Tiền ăn còn không có, lấy gì đi khám sức khỏe

12/11/2014 07:42 AM


Tại một buổi khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí do Công đoàn ngành Y tế TPHCM phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) tổ chức vừa qua, chị Lụa - công nhân Công ty chế biến thực phẩm, KCN Hiệp Phước cho biết: “Từ lúc vào làm CN tới nay, đây là lần đầu tiên em đi khám sức khỏe, nhiều lúc ốm vặt, ốm vẹo nhưng chỉ dám ra hiệu thuốc mua thuốc uống, biết vậy là nguy hiểm nhưng thời gian không có, tiền bạc cũng eo hẹp thì sao dám đi bệnh viện”.

Từ nhà tại xã Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, Long An), ngày nào chị Lụa cũng đi xe đạp lên Nhà Bè để làm CN. Hôm nào tăng ca không về nhà kịp, chị cùng 5 đồng nghiệp thuê một phòng trọ vừa để tắm rửa, vừa ngủ qua đêm với giá 5.000 đồng/đêm: “Với cái giá rẻ bèo ấy thì làm sao có nước máy sạch sẽ cho mình nên ai cũng chỉ tắm táp cho có lệ. Đàn ông con trai còn đỡ, mình đàn bà con gái, không tắm rửa, lại làm việc trong môi trường lạnh, ẩm ướt nên dễ bị bệnh phụ khoa". Thế nhưng khi thấy có dấu hiệu bị bệnh như ngứa ngáy, chị lại ngại đi khám bệnh: “Nói đúng ra là không có tiền, đi làm từ sáng tới tối mịt, bệnh viện nào đợi để khám cho mình”. Chị Ngọc - công nhân Công ty DoKan cho biết thêm: "Thông thường, tiền ăn của tụi em là khoản tính sau cùng, khi đã trừ hết các khoản. Trong các khoản chi tiêu, chưa bao giờ em dành cho khoản đi khám sức khỏe định kỳ, dự phòng khi đau ốm".

Chị Sương - công nhân Công ty Hai Thanh chia sẻ: “Được khám, cấp phát thuốc miễn phí đúng vào ngày chủ nhật, thì không có gì vui bằng. Nếu như khám đúng ngày đi làm, vừa khám miễn phí, vừa cho thêm tiền, mà công nhân cũng không đi được”. Chị Sương lý giải, nếu nghỉ một buổi làm, công nhân sẽ bị trừ đủ các loại tiền, dẫn tới thu nhập trong tháng sẽ giảm đáng kể. Trong khi đó, khám ngoài giờ thì chi phí đắt đỏ, lương công nhân kham không nổi. Mong mỏi lớn nhất của chị Sương, cũng như rất nhiều công nhân khác là “có bệnh viện, phòng khám nào hoạt động vào ngày chủ nhật, khám ngoài giờ mà vẫn khám BHYT thì chắc chắn sẽ đi khám sức khỏe thường xuyên, không phải chờ chương trình khám miễn phí hoặc bỏ mặc sức khỏe của mình”. Được biết, trước đó, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và công nhân, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM - yêu cầu Sở Y tế và UBND các quận, huyện chỉ đạo cơ sở y tế khám, chữa bệnh ngoài giờ cho CN.

TS-BS Huỳnh Tấn Tiến - Giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM - cho biết, qua đo đạc môi trường lao động tại 1.022 cơ sở trên địa bàn TP trong 9 tháng năm 2014 cho thấy các yếu tố ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, bụi đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, nhờ khám sức khỏe định kỳ cho gần 6.000 người lao động, đã xác định được 32,28% thuộc loại kém, 32,35% loại trung bình và gần 8% là thuộc loại rất kém. Còn theo bà Lê Thị Mỹ Châu - Chủ tịch CĐ ngành Y tế TPHCM - thì bệnh phổ biến hiện nay đối với hầu hết CN là liên quan đến dinh dưỡng, sau đó là tiểu đường, huyết áp, các bệnh liên quan đến thần kinh, xương khớp: “Đặc biệt, đối với CN nữ, rất dễ mắc các bệnh phụ khoa do chế độ làm việc theo ca, kíp. Thời gian nghỉ ngơi của CN cũng theo quy định, nhất là quy định thời gian CN đi vệ sinh eo hẹp khiến nhiều nữ CN phải nín nhịn dễ dẫn đến mắc các bệnh phụ khoa như viêm nhiễm, nấm, thận…”.

Theo 24h.com.vn