Phương hướng, nhiệm vụ công tác BHYT toàn dân năm 2015

14/11/2014 09:48 AM


Sáng 13/11/2014, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo đã báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ công tác BHYT toàn dân năm 2015 tại Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên toàn quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

TGTW 141114.JPG

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Theo báo cáo của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2014 độ bao phủ BHYT đạt 70,3%. Trong đó, các đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số, người hưởng lương hưu, mất sức, bảo trợ xã hội và lao động khu vực chính thức đã đạt 100%, đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi đạt 96%. Tuy nhiên mới chỉ có 50% lao động phi chính thức, 70% người cận nghèo và 30% hộ gia đình tham gia BHYT. Số người tham gia khám, chữa bệnh (KCB) và số lượt KCB BHYT liên tục tăng qua các năm, năm 2003 số người tham gia KCB BHYT là 16,5 triệu người với 23,5 triệu lượt, đến năm 2013 số người tham gia KCB BHYT là 61,7 triệu người với 131 triệu lượt. Hiện nay, Quỹ BHYT chiếm khoảng 1/3 ngân sách Nhà nước (NSNN) dành cho y tế và xấp xỉ 50-60% NSNN dành cho công tác KCB. Dự báo nguồn tài chính dành cho y tế qua quỹ BHYT sẽ chiếm 50-60% và cho công tác KCB sẽ đạt tới 80-90% vào năm 2015.

Trong quá trình triển khai thực hiện BHYT còn gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, có 49% các doanh nghiệp trốn đóng BHYT; 30% người cận nghèo chưa tham gia; 25% học sinh, sinh viên (HSSV) chưa có thẻ BHYT; 70% đối tượng tự nguyện theo hộ gia đình chưa tham gia BHYT làm cho việc mở rộng độ bao phủ còn chậm và không ổn định. Mặt khác, hệ thống y tế chưa đáp ứng được nhu cầu; tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo, người dân tộc thiểu số còn hạn chế; tình trạng lạm dụng trong thanh toán chi phí KCB vẫn xảy ra ở nhiều cơ sở KCB. Sử dụng quỹ BHYT chưa thực sự hiệu quả: quy trình chuyên môn chưa đầy đủ; phương thức thanh toán lạc hậu, chậm đổi mới; thực hiện chính sách xã hội hóa y tế làm tăng chi phí cho quỹ BHYT; một số cơ sở KCB sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật còn lãng phí, không kiểm soát được giá thuốc...

nmThao 141114.JPG

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo báo cáo tại Hội nghị

Để khắc phục những khó khăn và đạt được các mục tiêu: tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT (năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70%, đến năm 2020 đạt tỷ lệ trên 80%), đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHYT, sử dụng hiệu quả và cân đối quỹ BHYT, BHXH Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp như sau:

Hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT. Chủ động, tích cực tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, thông tư) hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (gọi tắt là Luật BHYT sửa đổi); tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện liên quan đến thực hiện chính sách BHYT (như: gói dịch vụ y tế cơ bản, danh mục thuộc được quỹ BHYT thanh toán, thông tư đăng ký KCB ban đầu và chuyển tuyến...)

Tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật BHYT, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa công tác tuyên truyền. Tăng cường công tác phối hợp với cac Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương. Tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.

Nâng cao chất lượng KCB: Về lâu dài phải tăng cường đầu tư cho các cơ sở KCB, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở. Tuy nhiên, trước mắt phải tập trung giải quyết chuyển đổi đăng ký KCB ban đầu, chuyển viện, khám vượt tuyết - trái tuyến; kiểm soát sử dụng dịch vụ kỹ thuật, sử dụng thuốc, giá thuốc; điều chỉnh phí BHYT gắn với đổi mới nền tài chính y tế quốc gia (chuyển từ chi thường xuyên ngành y tế sang hỗ trợ người dân mua BHYT).

Đồng thời, đồng chí Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị: các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể cần xác định nhiệm vụ và chỉ đạo quyết liệt về thực hiện chính sách pháp luật về BHYT; đối với Bộ, ngành giao chỉ tiêu, nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT; UBND, HĐND tỉnh đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực BHYT.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức đề nghị: các đồng chí báo cáo viên, tuyên truyền viên cần nêu bật BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống An sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội bền vững; nêu rõ được tính nhân văn sâu sắc, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT, giúp người dân hiểu và tham gia./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn