Doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT: Nhiều khó khăn được tháo gỡ

18/11/2014 08:18 AM


Tham gia BHXH, BHYT lần đầu cần những điều kiện gì? cơ quan nào cấp giấy chứng nhận nghỉ ốm; thời gian giải quyết cấp thẻ BHYT; thủ tục thanh toán trực tiếp BHYT, truy thu BHXH, BHYT và nhiều vướng mắc khác trong thực hiện, giải quyết chính sách được các doanh nghiệp đề cập tại buổi Đối thoại chính sách BHXH, BHYT với chủ sủ dụng lao động do BHXH Việt Nam và Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức tại KCN Vsip Từ Sơn- Bắc Ninh vừa qua.

Tại buổi đối thoại chị Trần Thị Én- Giám đốc nhân sự Công ty Chuang Sheng Optical KCN Vsip Từ Sơn, Bắc Ninh chia sẻ: Hiện Luật BHXH quy định mức đóng BHXH của NLĐ tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở. Nhiều người có nhu cầu đóng cao hơn mức không được cơ quan BHXH chấp nhận. Chị Én đề nghị nhà nước nên nghiên cứu lại về mức đóng phù hợp với thu nhập của từng đối tượng.

Trả lời thắc mắc của chị Én, ông Nguyễn Hùng Cường- Phó Ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho biết: Luật BHXH sửa đổi cũng không đề cập đến việc thay đổi mức đóng BHXH tối đa. Nếu NLĐ có thu nhập cao, ngoài việc tham gia BHXH bắt buộc theo Luật, NLĐ có thể tham gia thêm bảo hiểm hưu trí bổ sung do Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn. Việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ tạo điều kiện cho NLĐ khi nghỉ hưu được đảm bảo mức sống tốt hơn.

Trưởng Phòng nhân sự Công ty nước giải khát Pessico, bà Nguyễn Thị Thu Huyền đề nghị cơ quan BHXH giải thích rõ về thủ tục ngừng đóng đối với đơn vị giải thể, phá sản, di chuyển khỏi địa bàn và cấp lại, đổi sổ BHXH cho người lao động.

Ông Phạm Hồng Ánh- Trưởng phòng chế độ BHXH tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Nếu doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, phá sản dẫn đến ngừng đóng BHXH, trong trường hợp này doanh nghiệp thông báo với cơ quan BHXH đồng thời có văn bản đề nghị (theo mẫu D01b-TS) kèm theo bản sao quyết định hoặc văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giải thế, chấm dứt hoạt động. Cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp 2 bản danh sách tham gia BHXH (theo mẫu D02-TS). Đối với Người lao động, cung cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (trừ những trường hợp chết) gửi đến cơ quan BHXH để điều chỉnh giảm.

Riêng việc cấp lại sổ BHXH theo ông Ánh: Nếu việc cấp lại sổ do người tham gia làm mất hỏng thì trường hợp nếu nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH chỉ cần đơn đề nghị của người có sổ BHXH (mẫu D01-TS) và sổ BHXH bị hỏng. Trường hợp nộp hồ sơ thông qua đơn vị thì cần thêm văn bản đề nghị của đơn vị. Hiện cơ quan BHXH chủ yếu tiếp nhận hồ sơ cấp lại sổ chủ yếu là do thay đổi, cải chính họ, tên, ngày tháng năm sinh của đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Trong trường hợp này, thành phần hồ sơ gồm có người tham gia BHXH tự nguyện, đơn của người tham gia, sổ BHXH, giấy tờ liên quan đến việc điều chỉnh như: hồ sơ gốc, bản chính giấy khai sinh.

Đại diện Công ty Sam sung Việt Nam đặt vấn đề: Hiện Công ty có người lao động tự ý bỏ việc và mang theo sổ BHXH. Nhiều lần doanh nghiệp yêu cầu nộp lại sổ để chốt thời gian đóng nhưng người lao động không đến, trong trường hợp này doanh nghiệp có bị gắn trách nhiệm hay không?

Đề cập đến tình trạng này, ông Cường cho rằng: Theo quy định, sổ BHXH là do Công ty quản lý, trong trường hợp này Công ty phải làm hợp đồng chấm dứt lao động và liên hệ, thuyết phục người lao động phối hợp với Công ty để đến cơ quan BHXH chốt thời gian đóng BHXH rồi mới trả sổ cho NLĐ cất giữ.

Tại buổi đối thoại nhiều doanh nghiệp băn khoăn thủ tục truy thu, hoàn trả thu BHXH đối với người lao động. Việc truy thu là việc cơ quan BHXH thu khoản tiền phải đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng chưa đóng. Đối với trường hơp vi phạm pháp luật, việc truy thu theo ông Cường cần phải theo các bước: Doanh nghiệp có văn bản đề nghị, bản danh sách tham gia, bảng thanh toán tiền lương, tiền công, biên bản, quyết định xử lý vi phạm hành chính. Về phía người lao động cần có tờ khai tham gia BHXH, BHYT kèm theo 02 ảnh; người hưởng một lần nhưng chưa hưởng BH thất nghiệp thêm xác nhận đóng BH thất nghiệp nhưng chưa hưởng (do cơ quan BHXH giải quyết trợ cấp một lần cấp). Đối với trường hợp truy thu đối với người lao động có thời hạn ở nước ngoài kéo dài thời hạn sau khi về nước thì thành phần hồ sơ cần phải có đơn đề nghị của người lao động, bản sao hợp đồng lao động đi làm việc có thời hạn ở Việt Nam, hợp đồng được gia hạn hoặc được ký mới ngay tại nước tiếp nhận lao động và sổ BHXH.

Trường hợp hoàn trả tiền BHXH ông Cường giải thích: Hoàn trả là việc cơ quan BHXH chuyển lại số tiền được xác định là không phải đóng hoặc đóng thừa, đóng trước BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nộp cho cơ quan BHXH. Đơn vị giải thể, phá sản, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật hoặc di chuyển nơi đăng ký tham gia đã đóng thừa tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đối với các doanh nghiệp nằm trong tình trạng này, chỉ cần lập một bộ hồ sơ với các loại giấy tờ: văn bản đề nghị, quyết định giải thể, danh sách đã đóng BHXH, sổ BHXH, thẻ BHYT.

Ngoài ra, tại buổi đối thoại nhiều doanh nghiệp thắc mắc về hồ sơ thanh toán chế độ thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH. Hầu hết các câu hỏi của doanh nghiệp đều được đại diện BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh Bắc Ninh trả lời thỏa đáng, đảm bảo sự hài lòng của người thụ hưởng chính sách.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn