Chi phí quản lý cần phù hợp đặc thù hoạt động

10/11/2014 01:44 AM


Trong dư luận xã hội hiện nay, một trong những tranh luận “nóng” là vấn đề chi phí quản lý BHXH. Theo đó, điều dư luận quan tâm là cơ sở nào để cán bộ, viên chức ngành BHXH Việt Nam hưởng mức thêm 0,8 theo thang bảng lương hiện hành nhà nước? PGS, TS Nguyễn Văn Định- nguyên Chủ nhiệm Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế bảo hiểm dành thời gian trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về những nội dung này.

1 cua 101114.jpg

Quá tải làm thủ tục BHXH ở Tp.HCM

Đồng chí có thể cho biết chi phí quản lý BHXH ở nước ta hiện nay bao gồm những khoản chi nào và được sử dụng ra sao?

Theo quy định hiện hành, chi phí quản lý BHXH bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính nhà nước (HCNN). Theo đó, chi phí quản lý BHXH hiện nay bao gồm các khoản chi thường xuyên (chi tiền lương, hoạt động công vụ, chi nghiệp vụ thường xuyên hằng năm và kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc, kinh phí sửa chữa tài sản thường xuyên); chi không thường xuyên (chi mua tài sản, trang thiết bị làm việc, chi đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức; chi nghiên cứu khoa học và các khoản chi khác…) và chi đặc thù (chi hỗ trợ thu, chi BHXH, BHYT).

Theo Luật BHXH, chi phí quản lý BHXH được tính bằng mức chi phí quản lý của cơ quan HCNN và được trích từ khoản đầu tư sinh lời từ Quỹ BHXH. Ở Việt Nam, trong giai đoạn 2007 - 2013, chi phí quản lý bình quân một năm của BHXH Việt Nam bằng 2,77% tổng số thu BHXH và bằng 1,63% tổng số thu, chi BHXH. Điều đáng nói là số chi này ngày càng giảm, trong khi số đầu việc ngày càng tăng nhanh chóng: năm 2011, chi phí quản lý BHXH bằng 2,8% tổng số thu và bằng 1,63% trên tổng số thu, chi BHXH; năm 2012, bằng 2,64% tổng số thu và bằng 1,57% trên tổng số thu, chi BHXH; năm 2013, tỷ lệ tương ứng là 2,34% và 1,28%.

Như thế, chi phí quản lý của BHXH Việt Nam đã giảm mạnh. Nếu như ở giai đoạn từ 2002 trở về trước, chi phí quản lý của cả hệ thống chiếm 6% số thu, giai đoạn 2003 - 2004 tỷ lệ này là 4% và giai đoạn 2005-2006 là 3,6%. Năm 2013, tỷ lệ 2,34% là con số giảm hết sức đáng kể trong khi chức năng, nhiệm vụ của toàn ngành BHXH Việt Nam đều tăng lên (từ 19 nhiệm vụ theo Nghị định 100/2002/NĐ-CP lên 28 nhiệm vụ theo Nghị định 05/2014/NĐ-CP). Qua các số liệu trên cho thấy, ngành BHXH đã hết sức tiết kiệm nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong sử dụng nguồn kinh phí quản lý được giao.

Là người đã nhiều lần làm việc và tiếp xúc với cơ quan BHXH các cấp, đồng chí có bình luận gì về số lượng nhiệm vụ tăng thêm chín, và sẽ còn tăng sau khi sửa đổi Luật BHYT, Luật BHXH?

Trước tiên, chúng ta phải có đánh giá một cách khách quan, công bằng với hơn 20.000 cán bộ, viên chức trong toàn ngành BHXH. Là người theo sát chính sách BHXH từ những năm đầu đổi mới đến nay, tôi đã được chứng kiến nhiều cán bộ BHXH phải làm ngày, làm đêm, làm ngoài giờ… Sau hơn bảy năm tổ chức thực hiện Luật BHXH, đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tăng lên rất lớn: năm 2006, đối tượng tham gia BHXH là 6,7 triệu người thì đến hết năm 2013, đã có 10,8 triệu người tham gia BHXH, BHTN, bằng 161% so với thời điểm trước khi thi hành Luật. Số người tham gia BHYT tính đến hết tháng 8-2014 là hơn 63 triệu người, bằng 181% so với năm 2007.

Năm 2014, ngành BHXH Việt Nam sẽ phấn đấu thu BHXH, BHYT đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 218 nghìn tỷ đồng, bằng 908% so với năm 2007, và phấn đấu tổ chức chi trả đúng đối tượng, đủ số lượng, kịp thời và an toàn cho hàng chục triệu người hưởng các chế độ BHXH, hàng trăm triệu lượt người hưởng chế độ khám, chữa bệnh BHYT với số tiền khoảng 193 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bình quân một cán bộ Ngành BHXH phục vụ quản lý thu, chi cho 3.380 người tham gia và hưởng thụ các chế độ BHXH, BHYT với số tiền là 20,551 tỷ đồng/năm.

Trong khi đó ngành thuế và hải quan được trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại, được sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị nhưng bình quân mỗi cán bộ thuế, hải quan chỉ quản lý thu khoảng 12 tỷ đồng/năm.

Vậy theo đồng chí, số lương mà người cán bộ BHXH có quá cao so với nhiệm vụ mà họ phải làm hay không?

Năm 2010, mức tiền lương bình quân của cán bộ, viên chức trong toàn hệ thống BHXH là 2.254.800 đồng/người/tháng, thu nhập (bao gồm tiền lương và mức kinh phí tiết kiệm bổ sung vào tiền lương) bình quân là 3.969.000 đồng/người/tháng. Năm 2011, tiền lương bình quân của cán bộ, viên chức là 2.782.500 đồng/người/tháng, thu nhập bình quân là 4.869.500 đồng/người/tháng. Hiện nay,thu nhập bình quân của 18.636 cán bộ ngành BHXH chỉ vào khoảng 5,4 triệu đồng/tháng - không cao hơn so với các ngành có hoạt động tương đồng như BHXH Việt Nam.

Trong khi đó, cùng với việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, khối lượng công việc mà cán bộ, viên chức ngành BHXH đảm trách lại tăng lên rất nhiều. Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, áp lực công việc trong khi thu nhập không bảo đảm đời sống đã dẫn tới hệ quả là trong giai đoạn 2007-2009 có tới gần 20% biên chế xin ra khỏi ngành, đặc biệt là diễn ra chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, và đáng báo động khi những người xin ra khỏi biên chế đều là cán bộ, viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và y, dược.

Trước thực trạng này, năm 2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép hệ thống BHXH được thí điểm hưởng hệ số lương 1,8 trong ba năm, từ 2012 đến 2015. Ở đây, chúng ta cần có sự phân tích để hiểu rõ bản chất của vấn đề: thực hiện thí điểm lương 1,8 tức là ngoài hệ số lương cơ bản theo thang bảng lương HCNN, cán bộ, viên chức ngành BHXH được hưởng thêm 0,8 lần. Mức hưởng thêm này là hoàn toàn chính đáng đối với một đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động đặc thù như cơ quan BHXH (vừa tổ chức thu, chi trả, vừa thực hiện công tác quản lý đầu tư quỹ).

Nếu tính toán trong mối tương quan với các đơn vị hành chính, sự nghiệp khác, chúng ta sẽ thấy mức hưởng thêm này không hề cao.Ví dụ, ngành Thuế chỉ thực hiện nhiệm vụ thu, do là công chức nên được hưởng 25% phụ cấp công vụ, ngoài ra cũng được hưởng mức lương tăng thêm 0,8; Ngân hàng Chính sách xã hội hưởng lương 2,2 lần; Kho bạc Nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi cũng có hệ số lương 1,8 lần, ngoài ra còn có thêm phụ cấp công vụ 25%.

Theo đồng chí, cần bổ sung những quy định gì nhằm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên?

Như chúng ta đã biết, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đặt lên vai ngành BHXH một nhiệm vụ hết sức nặng nề “đến năm 2020, 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 80% người dân có thẻ BHYT và 35% người lao động tham gia BHTN”. Để đạt được các chỉ tiêu này, đòi hỏi phải tiến tới chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa quản lý. Vì vậy, quy định về chi phí quản lý BHXH cần phù hợp đặc thù hoạt động của ngành trong từng giai đoạn, tạo điều kiện để ngành phục vụ các đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT ngày càng hiệu quả.

Theo tôi, quy định về chi phí quản lý BHXH hằng năm trong toàn ngành BHXH nên được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ, mức cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, an sinh xã hội (mà BHXH, BHYT là trụ cột chính) đang ngày càng trở nên quan trọng trong quá trình phát triển của một quốc gia. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải đặt cơ quan BHXH đúng với vị trí, vai trò và chức năng của nó. Và cũng đã đến lúc cần tính đến việc mở rộng hệ thống BHXH tới cấp xã, phường để chính sách BHXH, BHYT đến với mọi người dân và mọi người lao động.

Trân trọng cảm ơn đồng chí.

Bình quân một cán bộ Ngành BHXH phục vụ quản lý thu, chi cho 3.380 người tham gia và hưởng thụ các chế độ BHXH, BHYT với số tiền là 20,551 tỷ đồng/năm.

Quy định về chi phí quản lý BHXH hằng năm trong toàn ngành BHXH nên được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ, mức cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Theo: nhandan.org.vn