Thiếu định hướng nghề nghiệp, sinh viên chán giảng đường Đại học

05/11/2014 01:38 AM


Là dân chuyên Lý của THPT Hà Nội Amsterdam, Tùng chọn ngành Tài chính như một giải pháp phù hợp khi không biết thi ĐH nào, không có người định hướng. Sau đó, Tùng phát hiện mình ghét tính toán, cảm thấy mệt mỏi với ngành nghề này.

 

Chia sẻ với PV, nhiều sinh viên than chán nản khi theo học ngành không yêu thích, có bạn đã lấy được bằng của ĐH danh tiếng như Y Hà Nội, Bách khoa TP HCM... vẫn hoang mang trước tương lai vì nhận ra mình không đam mê với nghề đã học. Phần đông người này cho biết, họ thiếu sự định hướng, không biết bản thân thích và phù hợp với ngành nào nên chọn trường theo lực học, xu hướng thị trường lao động hoặc mong muốn của gia đình. Một thời gian ngồi trên giảng đường, họ bắt đầu nhận ra bản thân đã sai lầm khi chọn ngành học. "Em đang ghét ngành mình học vô cùng. Là dân chuyên Lý của THPT Hà Nội Amsterdam, em chọn Tài chính ngân hàng như một giải pháp phù hợp khi không biết thi vào đâu và không có ai giúp định hướng nghề nghiệp. Càng học, em càng nhận ra mình ghét tính toán và những con số lằng nhằng. Dù điểm số vẫn đạt loại giỏi, nhưng em cảm thấy không hứng thú, đôi lúc mệt mỏi và không biết học để làm gì", Nguyễn Tùng, sinh viên ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội nói.

Đã bước sang năm thứ 5 trên ghế giảng đường Học viện Kỹ thuật quân sự nhưng cậu sinh viên Quang Ngọc vẫn không thấy hứng thú với ngành Cơ khí điện tử. Ngọc cho biết, khi thi vào ĐH, em hoàn toàn không có định hướng gì cho công việc tương lai, chẳng rõ bản thân thích gì, phù hợp với ngành nào. Nối nghiệp của bố mẹ, Ngọc chọn Học viện Kỹ thuật quân sự để sau có cơ hội việc làm mà không biết cụ thể sẽ làm gì. Năm thứ nhất ĐH, chàng trai yêu sự phóng khoáng, bay nhảy cảm thấy chán nản với ngành kỹ thuật khô khan. Kết quả học tập của Ngọc mỗi ngày một giảm sút. Bước vào năm thứ 2 với cố gắng buộc mình thích ngành đã chọn, nhưng bảng điểm vẫn không khá khẩm hơn. "Đã có lúc em muốn bỏ học nhưng bạn bè động viên, em trở lại giảng đường. Suốt 4 năm qua em lay lắt học chỉ để lấy được tấm bằng ra làm việc chứ chẳng yêu thích gì", Ngọc chia sẻ.

Giống như Ngọc, Vinh Anh (19 tuổi) vào ĐH Luật theo định hướng của gia đình, nhưng khi vào trường mới phát hiện mình không phù hợp với ngành nghề cần sự khéo léo, khả năng diễn đạt. Nữ sinh này chán nản và muốn bỏ học, nhưng bị phản đối kịch liệt từ người mẹ và họ hàng. "Mẹ nhốt em ở nhà không cho đi học tiếng Anh để em thực hiện ý tưởng du học, chuyển ngành. Mẹ kể ra tương lai mịt mù khi em làm trái lời. Họ hàng cũng cho rằng em ngốc nghếch khi muốn bỏ ngành Luật mà ra trường có sẵn người xin việc cho...", Vinh Anh kể. Lấy được tấm bằng ĐH nhưng nhiều người vẫn muốn học lại để chuyển ngành vì không tìm được đam mê với nghề đã chọn. Nguyễn Văn Tuấn (24 tuổi) muốn "gác" bằng tốt nghiệp ngành Bác sĩ Răng hàm mặt (ĐH Y Hà Nội) mà bao người ao ước để theo đuổi đam mê của bản thân. Tuấn cho biết chọn trường Y theo xu hướng của xã hội và gợi ý của gia đình. Tuy nhiên, sau một thời gian ngồi trên giảng đường ĐH, cậu nhận ra mình không hứng thú, tâm huyết với nghề này. "Em đã rất stress và hối hận vì quyết định không chín chắn trước kia của bản thân. Em sẽ không đóng góp gì được cho ngành, trở thành kẻ đi muộn, về sớm, đợi đến cuối tháng lĩnh lương", Tuấn buồn rầu nghĩ đến tương lai.

Không tìm được sự định hướng từ ai, Vĩnh An (tốt nghiệp CĐ ngành Kỹ thuật) làm trắc nghiệm trên Internet nhưng cũng không hiểu mình nên theo ngành nghề nào. "Em không phù hợp với ngành Cơ khí và muốn chuyển công việc khác. Em đã mất 3 năm rồi nên muốn định hướng lại tương lai thật đúng để không phải hối hận khi đã lựa chọn nữa. Nhưng em thật sự không biết phải đi theo ngành nào", An hoang mang nói về tương lai. Nghĩ về 5 năm học ĐH Bách khoa Hà Nội, chị Nguyễn Khánh Phương (45 tuổi) tỏ ra tiếc nuối vì đã lãng phí thời gian, tiền của để học ngành mà mình không yêu thích. L à sinh viên ưu tú, ra trường có việc làm ngay, nhưng chị Phương chỉ duy trì công việc theo đúng ngành học được 2 năm rồi nghỉ vì "không chịu đựng được nữa". Năm 30 tuổi, chị phát hiện mình thích dạy học và trở thành sinh viên một lần nữa. Đến nay, chị đã là cô giáo tiếng Anh có 10 năm kinh nghiệm và hài lòng với công việc của mình.

Cuộc khảo sát năm 2011 với 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp do ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) thực hiện cho thấy, 70% sinh viên chưa có định hướng cụ thể nào cho nghề nghiệp của họ sau khi tốt nghiệp. Theo TS Trịnh Văn Tùng, người tham gia nghiên cứu, thì m ức độ mù mờ trong định hướng nghề của sinh viên rất cao. Một bộ phận không nhỏ sinh viên ngay từ khi lựa chọn ngành học và trong quá trình học đã không có sự định hướng cụ thể và không được ai khuyên về các nghề gắn với ngành học của mình. Sinh viên theo học chuyên môn đôi khi xuất phát từ một điều ngẫu nhiên, từ kinh nghiệm gia đình, bè bạn hoặc chỉ đáp ứng được nhu cầu "có bằng đại học". "Nếu bạn hỏi một học sinh Mỹ, họ sẽ đứng lên và nói cho bạn những ước mơ to lớn của bản thân. Có bạn từng nói với tôi, họ muốn trở thành nhà sinh vật học để cứu những con vật đang bị tuyệt chủng, muốn học về genes để chữa lành những căn bệnh hiếm gặp... Vậy có bao nhiêu học sinh, sinh viên Việt Nam trả lời được câu hỏi mình muốn làm gì trong tương lai và sẽ theo đuổi đam mê hay đang học chỉ để lấy được tấm bằng ĐH", Vy Nguyễn (24 tuổi), định cư tại Mỹ trăn trở.

Theo VNE