Sẽ đơn giản hóa 18 nhóm TTHC trong năm 2015

29/10/2014 04:02 AM


Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm trong năm 2015 hướng tới cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ TTHC đối với 18 nhóm TTHC và toàn bộ (100%) TTHC tại 4 cấp chính quyền.

Hoi thao 291014.jpg

Quang cảnh Hội thảo

Ngày 28/10/2014 tại Tp.HCM, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Kế hoạch đơn giản hóa TTHC và cắt giảm gánh nặng hàng chính trọng tâm năm 2015. Từ các ý kiến góp ý, Bộ Tư pháp sẽ soạn thảo trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để ban hành quyết định về kế hoạch này.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Cải cách TTHC (Bộ Tư pháp) cho biết, mục tiêu của kế hoạch này nhằm cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ TTHC đối với 18 nhóm thủ tục, quy định liên quan kèm theo Quyết định. Bên cạnh đó, đến trước ngày 31/12/2015, toàn bộ (100%) TTHC tại 4 cấp chính quyền được công bố công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Ông Phan Vinh Quang (thuộc Dự án quản trị Nhà nước về tăng trưởng toàn diện của USAID) cho biết, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 68/144 nước, trong đó, chỉ số môi trường thể chế đứng thứ 92. Theo ông Quang, để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, không cách nào khác, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách TTHC, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường khi gia nhập Hiệp định TPP. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh cải cách 18 nhóm TTHC hiện nay là cần thiết và cấp bách.

Tăng cường liên thông trong thực hiện cải cách TTHC

Tuy nhiên, ông Quang cho biết, muốn đẩy mạnh cải cách 18 nhóm TTHC trong năm 2015,  đầu tiên Việt Nam cần tăng cường liên thông giữa các cơ quan chức năng.

Kết quả khảo sát của USAID đối với các cơ quan Nhà nước tại Việt Nam cho thấy hầu như không có sự liên thông của các cơ quan mà cơ sở giữ liệu của cơ quan nào cũng chỉ chia sẻ nội bộ trong cơ quan đó. Do đó dẫn tới việc DN và người dân phải nộp nhiều giấy tờ, và các quy trình rất khó để đơn giản hóa. Ví dụ, Hải quan đã có hải quan điện tử, tuy nhiên DN vẫn phải in các chứng từ ra để nộp cho các cơ quan khác, việc này tiêu tốn thời gian và nguồn lực cho DN và xã hội.

Ông Quang cũng cho rằng việc không liên thông còn làm công tác quản lý kém hiệu quả, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn, nếu như cơ quan Thuế và BHXH liên thông với nhau thì DN sẽ khó gian lận trong việc đóng thuế thu nhập, việc so sánh được mức lương đóng thuế và đóng BHXH sẽ tìm ra “kẻ hở đó”.

Quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị tham gia phối hợp

Đánh giá về Kế hoạch đơn giản hóa TTHC của Bộ Tư pháp, bà Hồ Xuân Hương, Phó Phòng Cải cách TTHC (Văn phòng UBND Tp.HCM) tỏ ra lo lắng vì thời gian thực hiện là khá ngắn, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ban, ngành, và ở tại địa phương là các quận, huyện, sở, ngành. Chính vì vậy theo đề xuất của bà Hương, đối với mỗi nhóm TTHC cần phải làm rõ các vấn đề cụ thể để các đơn vị thực hiện triển khai được dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm triển khai các văn bản của Tp.HCM, theo bà Hương các văn bản  liên quan đến nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố, nếu lãnh đạo địa phương quan tâm thì việc triển khai sẽ được nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao. Chính vì vậy để thực hiện các kế hoạch về đơn giản TTHC, cần làm rõ vai trò của đơn vị chủ trì, người chịu trách nhiệm tại 18 nhóm TTHC này.

Đồng tình về vấn đề này, Tiến sĩ Đỗ Minh Khôi, giảng viên Trường Đại học Luật Tp.HCM cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức trong trường hợp không phối hợp thực hiện cắt giảm các TTHC; kế hoạch đơn giản TTHC cần quy định rõ nội dung thẩm tra (TTHC giảm được bao nhiêu %, thực hiện như thế nào, việc cắt giảm TTHC phải minh bạch, công khai, trên cơ sở định lượng).

Theo: Chinhphu.vn