Số người thất nghiệp tại Pháp lập kỷ lục mới

28/10/2014 07:42 AM


Số người thất nghiệp của Pháp đã lập kỷ lục mới với hơn 3,43 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp tính đến tháng 9 vừa qua.

Số liệu thống kê chính thức vừa được công bố cho thấy số người thất nghiệp trong tháng Chín đã tăng thêm 19.200 người so với tháng trước và đang tạo ra áp lực lớn cho Tổng thống Pháp Francois Hollande ngay trong nửa nhiệm kỳ đầu. Còn nếu tính từ cuộc bầu cử tổng thống Pháp tháng 5/2012 đến nay, số người thất nghiệp tại Pháp đã tăng hơn nửa triệu người. Bộ trưởng Lao động Francois Rebsamen cho biết, những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện cải cách thị trường lao động cần phải có thêm thời gian để phát huy hiệu lực. Kế hoạch cải cách của Tổng thống Pháp đã nhận được nhiều lời ca tụng nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đây là một thỏa ước mang tính cá nhân bởi sẽ cắt giảm khoảng 40 tỷ euro (khoảng 51 tỷ USD) tiền thuế cho các doanh nghiệp để giúp tạo 500.000 việc làm từ nay đến 2017. Để cải thiện tình trạng thâm hụt ngân sách được dự đoán sẽ vẫn vượt mức trần 3% GDP của Liên minh châu Âu (EU) cho tới năm 2017, Tổng thống Hollande có kế hoạch cắt giảm 50 tỷ euro khoản chi tiêu công. Dư luận xã hội tại Pháp cho rằng, những quyết định này của ông Hollande là khá bất thường đối với một người đứng đầu Đảng Xã hội cầm quyền nhưng lại là món quà quý giá dành cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại Italy, ngày 25/10, hàng chục nghìn thanh niên và sinh viên đã đổ xuống đường phố thủ đô Rome để phản đối dự luật cải cách thị trường việc làm mới của Thủ tướng Matteo Renzi. Cuộc biểu tình diễn ra theo lời kêu gọi của CGIL, tổ chức công đoàn lớn nhất Italy. Những người biểu tình đã chia thành bốn đoàn người mang theo cờ và biểu ngữ, tuần hành khắp các đường phố Rome với lời kêu gọi Thủ tướng Renzi tập trung thúc đẩy tạo việc làm và bảo vệ quyền lợi của những người mới tham gia thị trường lao động. Dự luật cải cách thị trường lao động đang gây chia rẽ đảng Dân chủ theo đường lối trung-tả của Thủ tướng Renzi, trong đó gây nhiều tranh cãi nhất là Điều 18 về quyền được giữ việc làm suốt thời gian lao động, bảo vệ người lao động khỏi việc sa thải bất công. Để thúc đẩy nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Renzi muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân viên hơn, đồng thời vẫn đảm bảo các lợi ích của người lao động sẽ được tích lũy qua thời gian. Sự thay đổi này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn và các đảng cánh tả. Mặc dù đã được Thượng viện Italy thông qua hôm 8/10, nhưng một bộ phận trong nội bộ đảng Dân chủ cầm quyền vẫn phản đối dự luật này. Theo số liệu công bố hồi cuối tháng 9, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Italy hiện đang ở mức cao kỷ lục, 44,2%.

Còn tại Bosnia - Herzegovina, với một nền kinh tế kiệt quệ, quốc gia này đối mặt với một hệ thống chính trị bị chia rẽ sâu sắc. Thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến 1992-1995 đã khiến bộ máy chính trị của nước này phân tán quyền lực và làm chính phủ trung ương yếu thế trong khi đất nước bị chia cắt thành hai thực thể tự trị, trong đó có một nửa tiếp tục bị chia nhỏ giữa cộng đồng người Bosnia và Liên đoàn Croatia. Trong khi các nhà lãnh đạo của người Bosnia muốn tăng cường tập trung quyền lực cho chính quyền trung ương thì những người Croatia theo đường lối bảo thủ tại đây vẫn muốn thúc đẩy các thể chế tự trị. Cuộc bầu cử trước thời hạn này là hệ quả của làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở nước này nhằm phản đối việc chính phủ để tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 44% và khoảng cách giàu nghèo tại quốc gia Nam Âu ngày ngày càng gia tăng. Mặc dù nền kinh tế đạt được sự phục hồi mong manh 1% trong năm 2013 sau khi giảm 0,5% trong năm 2012 nhưng thu nhập của người dân vào loại thấp nhất châu Âu với mức trung bình 420 euro/tháng.

Theo Tin tức, DTO, GĐ&XH