Mở rộng đối tượng tham gia BHXH là điều cần thiết

23/10/2014 03:11 AM


Sáng 23/10/2014, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Sau báo cáo, các đại biểu đã tiến hành thảo luận về Dự thảo luật này, trong đó tập trung vào các nội dung: Việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH (Điều 2); chế độ hưu trí và cân đối Quỹ BHXH; giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH; quy định về chi phí quản lý BHXH và hoạt động đầu tư quỹ BHXH và về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.


Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu, với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc. Việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Luật BHXH sửa đổi lần này đã tiếp thu một cách cơ bản và cơ bản khắc phục những vướng mắc, bất hợp lý của Luật BHXH năm 2006. Nhất là đã định hướng được điểm rất quan trọng trong vấn đề mở rộng đối tượng đóng BHXH và hướng BHXH toàn dân trong thời gian tới. Dự thảo luật lần này cũng đã bảo đảm được nguyên tắc quan trọng đóng/hưởng. “Tôi đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia hợp đồng lao động đóng bảo hiểm như tiếp thu giải trình của UBTVQH. Đây là mục tiêu quan trọng mà luật cần hướng tới và các đối tượng mở rộng đưa ra như thế là hợp lý”, đại biểu Phương phát biểu.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phương, để đảm bảo tính khả thi trong Điểm b của Điều 2 “người lao động tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng” cần phải có bổ sung quy định, sau khi hợp đồng từ 1 đến 3 tháng mà tiếp tục hợp đồng thì sau đó mới phải tham gia đóng BHXH bắt buộc.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu ý kiến.

"Nếu chúng ta chỉ quy định hợp đồng từ 1 đến 3 tháng mới đóng bảo hiểm thì không khả thi vì từ lúc lập danh sách, làm thủ tục rồi tìm cơ quan bảo hiểm đã hết thời gian rồi. Nhưng bản chất của vấn đề này là luật ta lại quy định hợp đồng trên 3 tháng thì mới đóng bảo hiểm, nên các cơ quan sử dụng lao động hoặc cơ quan Nhà nước lại lách luật là chỉ ký hợp đồng có 3 tháng. Chính vì thế trong quy định lần này chúng ta nên có là hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng, sau khi chấm dứt hợp đồng và hợp đồng tiếp thì phải tham gia đóng bảo hiểm, như thế mới thực thi khi luật ban hành và đi vào cuộc sống. Có thể từ tháng 1 đến tháng 3 không đóng bảo hiểm vì đây là thời gian thử việc giữa người sử dụng lao động và người lao động nhưng tiếp đó chúng ta phải quy định đóng bảo hiểm để tránh lách luật, như luật cũ hiện nay là chưa hợp lý", đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.

Việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm với các cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn… được đại biểu đồng tình cao: “Đây là nguyện vọng tha thiết mà nhiều lần tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giám sát các đối tượng này đã đề xuất, kiến nghị. Đây cũng chính là sự ghi nhận đóng góp của các cán bộ cấp xã phường hiện nay trong điều kiện kinh phí của quốc gia thì ngân sách tiền lương cũng chưa đủ trả nên mở rộng đối tượng này”.

Tuy nhiên đại biểu cho rằng, tùy theo mức độ khả năng cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ 2 đến 10%; nếu hỗ trợ 5% thì đối tượng này có thể hưởng 2 mức là hưu trí và bảo hiểm y tế, hoặc hưởng thêm các mức khác trong quy định thang lương của BHXH. Đây cũng là chính 1 vấn đề thuộc về chính sách an sinh xã hội làm giảm bớt gánh nặng xã hội khi đối tượng này về tuổi già.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Phúc phát biểu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) từ thực tiễn hoạt động tại cấp cơ sở cũng nêu ra những lý do cụ thể: Nếu cho rằng đội ngũ làm việc không chuyên trách cấp xã không có thời gian làm việc cố định nên chỉ hưởng phụ cấp công việc là không phù hợp thực tế. Tại cơ sở, các cán bộ không chuyên trách làm như các công chức cả về thời gian và công việc. Ngoài việc làm trọn ngày, trọn tháng theo quy định, thậm chí theo yêu cầu công việc các cán bộ không chuyên trách còn làm việc cả ngày nghỉ và ngày lễ. Sự tích cực của đội ngũ này đã được ghi nhận và cấp xã đã nhiều lần kiến nghị cho phép đội ngũ này được hưởng chế độ chính sách đầy đủ trong đó có chế độ BHXH bắt buộc. Hiện nay có nhiều cán bộ không chuyên trách cấp xã  có quá trình làm việc lâu dài, nhưng đến tuổi nghỉ hưu lại không có chế độ gì nên đã dẫn đến tâm lý không an tâm công tác.

Về nội dung Giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho đây là một giải pháp tốt nhất xử lý nợ đọng BHXH của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động hiện nay. Theo đại biểu, BHXH là cơ quan cuối cùng quan trọng nhất về quyết định an sinh chủ yếu của quốc gia trong giai đoạn tới và có trọng trách lớn trong thu chi, quản lý, sử dụng, đầu tư và thu lợi, nên việc giao quyền thanh tra bảo hiểm cho BHXH trong thời gian tới là hợp lý.

Điều này cũng được Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Việc bổ sung chức năng thanh tra đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức BHXH, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động”.

Nội dung này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lại giữ quan điểm “giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định “Cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội” tại khoản 3 Điều 13. Cho dù việc BHXH thực hiện chức năng chuyên ngành chưa phù hợp với quy định của Luật Thanh tra, nhưng nên giao cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thay vì chỉ giao thanh tra việc đóng BHXH. “Có thể trong tình hình hiện tại việc đóng BHXH là vấn đề nóng và thanh tra việc đóng BHXH là quan trọng hơn vấn đề khác như việc thực hiện chế độ chính sách BHXH, quản lý quỹ BHXH… nhưng các vấn đề này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau”, đại biểu Cương nói./.

Theo: QĐND online