Giảm nghèo bền vững - bài toán khó

20/10/2014 08:59 AM


Tại cuộc bàn tròn “Định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020” sáng 15/10, Bộ LĐTB&XH cho biết, từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân cả nước giảm 2%/năm. Với con số này, nhiều người nghĩ Việt Nam sẽ sớm xóa sổ nạn nghèo đói. Song bài toán giảm nghèo đang ngày càng trở nên hóc búa, khi mà hàng năm tỷ lệ hộ cận nghèo giảm không đáng kể, trong khi số hộ tái nghèo và hộ nghèo mới lại cao.


Sản xuất hàng mây tre xuất khẩu đã giúp nhiều hộ dân tại Phú Túc huyện Phú Xuyên thoát nghèo.

Cứ 3 hộ có 1 hộ tái nghèo

Đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) Ngô Trường Thi cho biết, nhờ thực hiện tốt hệ thống các chính sách giảm nghèo nên cuộc sống người nghèo có chuyển biến tích cực. Chương trình 30a, 135, và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần tăng thu nhập cho người nghèo. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo được cải thiện, nhất là cơ sở vật chất về y tế, giáo dục đào tạo...

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH không khỏi băn khoăn khi ranh giới mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo tương đối “mong manh” khiến nguy cơ tái nghèo cao. Hàng năm, cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo mới. Mặt khác, sự chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê, hệ số chênh lệch này tăng đều từ 8,1 (năm 2002) lên 9,4 (năm 2012). Ông Thi bày tỏ sự lo lắng khi địa bàn khó giảm nghèo nhất lại có số hộ nghèo cao nhất cả nước: “Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Năm 2012, các xã 135 tỷ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% và có khoảng 900 ngàn hộ cận nghèo (cả nước có hơn 1,4 triệu hộ cận nghèo).

Xoá bỏ chính sách cho không?

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tái nghèo cao được giới chuyên môn chỉ ra là do công tác giảm nghèo chưa bền vững. Việc đào tạo nghề cho hộ nghèo nông thôn ở nhiều địa phương còn đại khái, hình thức nên các hộ sau khi thoát nghèo không có công việc cho thu nhập ổn định.

Mặt khác, ông Ngô Trường Thi thẳng thắn nhìn nhận: “Nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều hộ thuộc diện nghèo không muốn thoát nghèo vì sợ không còn được hỗ trợ...”. Trong khi đó, tại các địa phương, chủ yếu ở cấp thôn chưa khách quan, nghiêm túc, có những nơi luân phiên đưa người dân vào diện nghèo.

Để khắc phục tình trạng đánh giá tiêu chuẩn hộ nghèo không chính xác và hạn chế bệnh thành tích, ông Ngô Trường Thi cho biết: “Bộ đang nghiên cứu trình Chính phủ điều chỉnh các chính sách hỗ trợ hộ nghèo từ cho không như hiện nay sang hỗ trợ cho vay tín dụng, kết hợp đào tạo nghề để người dân sinh kế thoát nghèo và làm giàu. Như vậy, sẽ khắc phục tâm lý ỷ lại của các hộ nghèo”.

Theo Báo Kinh tế đô thị