Tăng trưởng và việc làm: Hai vấn đề lớn của kinh tế G20

26/09/2014 08:09 AM


Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã bế mạc tại Cairns (Australia) với cam kết đạt mục tiêu tăng trưởng thêm 1,8% nhằm giúp tăng GDP toàn cầu thêm 2.000 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm mới.


Trong hai ngày họp (20-21/9), các đại biểu đã tập trung thảo luận hơn 900 biện pháp mà các nước đề xuất liên quan đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các đề xướng về cơ sở hạ tầng thế giới, cải cách trong lĩnh vực tài chính cũng như vấn đề tăng cường hội nhập trong lĩnh vực thuế của khối. Để hỗ trợ việc chuyển từ tăng trưởng do kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo sang tăng trưởng do kinh tế tư nhân chủ đạo, Hội nghị nhất trí với sáng kiến thiết lập một đầu mối cơ sở hạ tầng toàn cầu để chia sẻ thông tin giữa các nền kinh tế về việc kết nối các nhà đầu tư với các dự án nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong thông cáo báo chí của Hội nghị, G20 nhấn mạnh: “Sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu này nhằm mục đích gia tăng đầu tư chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Sáng kiến này cũng sẽ bao gồm các biện pháp chủ chốt trong các chiến lược tăng trưởng của chúng ta nhằm cải thiện môi trường đầu tư, yếu tố đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư".

Theo Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey, người chủ trì Hội nghị, đầu tư vào cơ sở hạ tầng là một trong những chiến lược tăng trưởng cốt lõi của G20, là một động lực chủ chốt để cải thiện năng lực sản xuất. Đối với vấn đề tiền tệ, Hội nghị G20 nhất trí chính sách tiền tệ cần hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và đặc biệt cần phải hiệu quả trong việc đối phó với các sức ép giảm phát. Tất cả các đại biểu tham dự Hội nghị đều cam kết sẽ giám sát chặt chẽ các rủi ro tài chính nảy sinh do việc duy trì chính sách lãi suất thấp trong một thời gian dài và xây dựng các khung chính sách kinh tế mạnh hơn nhằm làm tốt vai trò là lá chắn phòng thủ trước các tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn tài chính. Cải thiện quy định tài chính toàn cầu là phương pháp trọng tâm nhằm giúp hệ thống tài chính thế giới đối phó với các cú sốc lớn. Một trong các vấn đề cũng nhận được sự quan tâm của các nước thành viên G20 tại cuộc họp lần này chính là việc hiện đại hóa các quy định về thuế trên thế giới nhằm đối phó với hành vi tránh và trốn thuế tại các khu vực biên giới. Theo đó, các nước thành viên G20 nhất trí sẽ áp đặt các quy định mới về thuế nhằm vào các công ty đa quốc gia đang sử dụng những lỗ hổng về pháp lý để trốn thuế. Trong thời gian tới, G20 sẽ tiến hành hoạt động trao đổi thông tin giữa các nước thành viên thông qua việc sử dụng Bộ Quy định Tiêu chuẩn thông tin chung (Common Reporting Standard - CRS) nhằm xác định rõ những đối tượng trốn thuế để có biện pháp xử lý.

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho rằng mặc dù kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục phục hồi song vẫn còn thấp và không đồng đều, vì vậy việc cải thiện các chính sách kinh tế có thể giúp tạo sức bật mới cho quá trình phục hồi của thế giới. Là một bộ phận của kinh tế thế giới, các nền kinh tế G20 cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trên. Do đó, để tránh rủi ro, bảo toàn cho các nền kinh tế cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong khối, G20 cần thúc đẩy các lĩnh vực tài chính có mức tăng trưởng ổn định và bền vững. Một trong những ưu tiên của G20 hiện nay là đến năm 2018 phải nâng mức GDP của toàn thể các nước thành viên lên 1,8%, qua đó đóng góp 2.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Trong đó, đề cao các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tăng cả về chất và lượng đầu tư, qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động cũng như tăng cường thương mại và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Những nội dung chính tại hội nghị Cairns sẽ được đệ trình lên Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 15-16/11 tới tại Brisbane (Australia).

Theo Tin tức