Nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho giáo viên và học sinh vùng sâu, vùng xa

26/09/2014 06:38 AM


Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần quan tâm hơn đến đời sống của giáo viên và học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...

Theo một khảo sát tổng quan, điều kiện đến trường của học sinh vùng sâu, vùng xa hết sức khó khăn do khoảng cách địa lý và điều kiện đời sống - những rào cản “nhãn tiền” có thể nhận thấy. Ở nhiều địa bàn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, học sinh dân tộc thiểu số phải đi nhiều giờ đồng hồ để đến được trường học. Điều kiện gia đình các em cũng hết sức khó khăn khiến các em phải cùng gia đình bươn chải lao động kiếm sống.  Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ trẻ em được đi học và được đến trường thường xuyên. Hai trong số những khó khăn lớn nhất là về các phong tục, tập quán, bản sắc riêng trong đời sống của dân tộc thiểu số các vùng và khó khăn về nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về giáo dục nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Do có đời sống mang nhiều bản sắc riêng cũng như những tập tục từ xưa nên nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình còn nhiều vướng mắc nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em đến trường. Xét về quy mô và loại hình trường lớp thì tính đến năm học 2013 – 2014, toàn quốc có 110 trường phổ thông cơ sở phát triển theo loại hình bán trú với hơn 25 nghìn học sinh, mô hình nội trú có hơn 55 nghìn học sinh THCS đang theo học ở 53 trường nội trú cấp tỉnh và cấp trung ương.

Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục& Đào tạo, cho rằng: "Những rào cản về đời sống và nhận thức thì chúng ta phải đầu tư ngân sách để làm thay đổi nhận thức bằng cách tuyên truyền cũng như phát triển đời sống cho người dân, đồng thời những đề xuất như tăng cường xây dựng các trường bán trú để các em ổn định đời sống và học tập là điều thiết yếu. Bên cạnh đó, chính sách dành cho các giáo viên đứng lớp tại các vùng sâu, vùng xa cũng là trọng tâm của các kiến nghị bởi nâng cao chất lượng giáo dục, các chính sách thu hút để giáo viên có đủ điều kiện và tâm huyết để giảng dạy cũng là cách làm tốt để thu hút học sinh đến trường". Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Trí, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Y tế - Giáo dục – Môi trường, cho biết thêm: "Không những thế, một trong những vấn đề cần chú trọng là tại các vùng khác nhau, các vấn đề về phát triển giáo dục cho dân tộc thiểu số cũng được đặt ra khác nhau bởi điều kiện sinh sống, điều kiện kinh tế ở mỗi vùng không giống nhau. Vì vậy, việc khảo sát thực tế và đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng vùng, từng đối tượng dân tộc thiểu số là điều cần thiết. Việc đầu tư cơ sở vật chất bên cạnh các chính sách dành cho con người, và những đầu tư trong việc chương trình giáo dục gắn liền với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với sự phát triển kinh tế cũng là những vấn đề cần chú trọng".

Xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh khu vực đặc biệt khó khăn

Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 2216/QĐ-BTC xuất cấp gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp 11.330 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để tạm ứng hỗ trợ cho học sinh trong 2 tháng đầu học kỳ I của năm học 2014-2015 theo quy định tại Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Số gạo nói trên được xuất cấp cho các tỉnh Sơn La 1.300 tấn, Điện Biên 1.400 tấn, Lai Châu 900 tấn, Lào Cai 800 tấn, Hà Giang 1.800 tấn, Yên Bái 700 tấn, Bắc Kạn 300 tấn, Lạng Sơn 1.000 tấn, Thanh Hóa 600 tấn, Kon Tum 1.300 tấn, Đắc Lắc 120 tấn và Đắc Nông 110 tấn. Tổng Cục Dự trữ Nhà nước phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức giao nhận gạo theo đúng quy định, đồng thời, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ gạo cho học sinh của các địa phương để Bộ Tài chính ra Quyết định chính thức số gạo của học sinh, giảm trừ số gạo đã cấp tạm ứng.

Theo quy định tại Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ gạo là học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập. Các học sinh trên được hỗ trợ 15kg gạo/1 tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Nguồn gạo hỗ trợ từ nguồn gạo dự trữ quốc gia.

Xây hơn 5000 phòng học, phòng làm nhà công vụ giáo viên

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2014 - 2015 là đầu tư xây dựng danh mục phòng học, nhà công vụ cho giáo viên mầm non thuộc các huyện nghèo tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; đã được phê duyệt tại Quyết định 20/2008/QĐ-TTg ngày 1/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa thực hiện. Dự kiến tổng số lượng là 2.627 phòng học và 2.658 phòng làm nhà công vụ cho giáo viên. Theo lộ trình đến năm 2020, sẽ tổ chức rà soát nhu cầu đầu tư xây dựng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên và đầu tư xây dựng khi có điều kiện theo danh mục thứ tự ưu tiên sau: Phòng học và nhà công vụ cho giáo viên còn lại của Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ; phòng học xây dựng mới đối với trường tiểu học để bảo đảm đủ 1 lớp/phòng; phòng học xây dựng mới thay thế toàn bộ số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm của các trường mầm non, phổ thông; xây mới các hạng mục công trình thuộc khu phục vụ học tập; phòng học bộ môn, phòng thiết bị, phòng làm việc hiệu bộ, phòng học đa năng, thư viện, phòng y tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, xác định nhu cầu, lập phương án đầu tư và cơ chế huy động vốn phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Khuyến khích các địa phương chủ động đầu tư xây dựng hoàn thành danh mục còn lại trong Quyết định 20/2008/QĐ-TTg ngày 1/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương có trách nhiệm bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương theo quy định cùng vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện, bảo đảm mục tiêu; việc giao kế hoạch vốn hằng năm sẽ căn cứ vào kết quả bố trí vốn của địa phương của các năm trước để phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và quyết định những vấn đề cụ thể về danh mục, địa điểm xây dựng, thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu xây dựng, huy động quản lý sử dụng và thanh quyết toán vốn đầu tư theo quy định pháp luật; chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp khác khi có phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện bao gồm cả yếu tố trượt giá. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015 và lộ trình đến năm 2020 được thực hiện theo cơ chế giám sát cộng đồng, có sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ, ngành liên quan, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng các tổ chức chính trị - xã hội. Về kinh phí thực hiện, nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 3.700 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 (sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận).

 

Theo Chinhphu.vn, ĐCSVN, GĐ&XH