Mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và cân đối Quỹ BHXH ngắn hạn

18/09/2014 08:36 AM


Ngày 17/09/2014, Bộ Lao động – Thương bịnh và Xã hội phối hợp Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức Hội thảo mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và cân đối Quỹ BHXH ngắn hạn. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huận chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO)...


Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 01/06/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 nêu rõ nhiệm vụ "Nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng BHXH. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế quản lý Quỹ BHXH để bảo đảm yêu cầu cân đối và tăng trưởng của Quỹ BHXH. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện... phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH...". Để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Trung ương trong quá trình xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Hội thảo mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và cân đối Quỹ BHXH ngắn hạn nhằm xin ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới.

Theo dự báo năm 2020, lực lượng lao động có khoảng 60 triệu người và như vậy đến năm 2020 mục tiêu cần hướng tới độ bao phủ số người tham gia BHXH sẽ là 30 triệu người. Theo tính toán của nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Đỗ Nhật Tân, với quỹ thời gian còn 07 năm (đến năm 2020) để đạt được mục tiêu thì mỗi năm cần mở rộng thêm trên 2,6 triệu người tham gia vào 02 loại hình BHXH bắt buộc và tự nguyện. Trình bày nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Đỗ Nhật Tân đánh giá, tính đến năm 2013 tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện rất thấp chỉ có 175.000 người tham gia, chiếm 0,53% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Nguyên nhân chủ yếu là chính sách thiết kế còn có một số quy định chưa tạo được sự hấp dẫn; việc tổ chức thực hiện bộc lộ một số bất cập trong công tác tuyên truyền cũng như một số vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính đối với người tham gia. Bên cạnh đó, mức đóng BHXH tự nguyện còn cao, tỷ lệ mức đóng so với thu nhập làm giảm sự sẵn sàng tham gia... Để tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Đỗ Nhật Tân cho rằng, nếu người lao động có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước về mức đóng thì độ bao phủ số người tham gia sẽ tăng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu điều chỉnh về mức đóng BHXH tự nguyện theo hướng hấp dẫn hơn mức quy định hiện hành cho phù hợp; linh hoạt hơn về phương thức đóng; nghiên cứu quy định về việc đóng bù một lần cho số năm còn thiếu đối với người đủ tuổi nghỉ hưu song chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu; đóng trước cho một số năm đối với người có nhu cầu khi họ có điều kiện về thu nhập; thiết kế trong chính sách có quy định hỗ trợ của nhà nước về mức đóng cho một số nhóm đối tượng đặc thù; có quy đinh khuyến khích để gia tăng sự tham gia liên quan tới người tham gia và thân nhân của hộ gia đình có người tham gia...

Cũng tại hội thảo, báo cáo của BHXH Việt Nam về cân đối, dự báo Quỹ BHXH ốm đau, thai sản. Trong đó, một số nội dung trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi về chế độ ốm đau, thai sản sẽ làm tăng chi từ Quỹ ốm đau, thai sản như: bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 05 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 07 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật (việc tăng thời gian nam nghỉ khi vợ sinh bình quân 06 ngày/người, theo tính toán tăng 3,9 mức tiền lương cơ sở cho một lượt người sinh con); tăng thời gian nghỉ sinh con từ bình quân 135,6 ngày lên 180 ngày (06 tháng), theo tính toán tăng 3,9 mức tiền lương cơ sở cho một lượt người sinh con; sửa đổi quy định về trợ cấp một lần khi sinh con theo hướng trong trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi sinh con thì cha được hưởng trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con; bổ sung quy định mức hưởng chế độ thai sản một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng cho 24 ngày. Từ việc tăng quyền lợi, chế độ hưởng ốm đau, thai sản trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), thì nguồn chi từ Quỹ ốm đau, thai sản sẽ tăng cao. Để đảm bảo Quỹ ốm đau, thai sản không mất cân đối, BHXH Việt Nam đề xuất, tăng mức đóng cho Quỹ ốm đau, thai sản lên 3,5% bằng cách chuyển 0,5 mức đóng vào quỹ tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sang.

Tại hội thảo các đại biểu nghe và thảo luận về mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân; đánh giá, dự báo tài chính các Quỹ BHXH ngắn hạn và những đề xuất nhằm bảo đảm cấn đối Quỹ BHXH…

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhấn mạnh: mở rộng đối tượng tham gia BHXH là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia nhằm thiết lập một hệ thống An sinh xã hội bền vững và phát triển. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đòi hỏi cần phải có lộ trình thực hiện mở rộng đối tượng với chỉ tiêu từng năm, đồng thời phải sửa đổi, bổ sung nhiều chế độ BHXH bắt buộc và tự nguyện để chính sách này hấp dẫn hơn với người lao động. Trong giai đoạn hiện nay, để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện Nhà nước cần xây dựng chính sách cụ thể, có sự hỗ trợ cho từng đối tượng tham gia. Ðồng thời, mức đóng và phương thức đóng với từng đối tượng cũng cần được quy định phù hợp hơn; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích lâu dài của BHXH tự nguyện khi tham gia; việc thu nộp BHXH tự nguyện cần phải có cách làm linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng.../.

Nguồn TC BHXH