ASEAN hướng tới mục tiêu tăng diện bao phủ BHYT

18/09/2014 07:51 AM


Nằm trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12, tại Hà Nội, hội nghị bên lề về Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, bao phủ BHYT toàn dân với lao động phi chính thức được tổ chức sáng ngày 17/9. Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đồng chủ trì hội nghị cùng Tiến sĩ Shin Young-soo, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương.


Một cách chung nhất, có thể hiểu lao động phi chính thức là những người làm việc tự do, không ký hợp đồng lao động, không được hưởng lương hàng tháng. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, lao động phi chính thức hiện đang là nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT thấp nhất. Người lao động chính thức (được ký hợp đồng lao động), người nghèo đều nhận được sự hỗ trợ tham gia BHYT; trong khi lao động phi chính thức thì ngược lại, nhận được rất ít, thậm chí là không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến nguồn thu nhập, không hiểu rõ chính sách cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tham gia của nhóm này ở mức rất hạn chế. Tại Philippines, dù chính phủ nước này thực hiện tuyên truyền bằng việc gửi tin nhắn qua điện thoại, tuy nhiên tỷ lệ tham gia cũng rất khiêm tốn, chỉ đạt 15% tổng số lao động phi chính thức. Các ý kiến đưa ra tại hội nghị đều khẳng định: để đạt được bảo phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thì tất yếu phải thực hiện bao phủ BHYT với lao động phi chính thức. Một số quốc gia đang cố gắng tạo ra nhiều việc làm, chuyển số lao động phi chính thức sang làm việc tại khu vực chính thức, qua đó được hỗ trợ tham gia BHYT. Tuy nhiên trên thực tế hiệu quả đạt được khá hạn chế và có thể phải mất một khoảng thời gian dài. Tại Indonexia, giai đoạn 1990-2007, tỷ lệ lao động phi chính thức thậm chí còn tăng lên, dù Chính phủ nước này đã hỗ trợ tạo việc làm khá tích cực.

Để tăng tỷ lệ tham gia BHYT của lao động phi chính thức, chính sách hỗ trợ từ nhà nước là vô cùng quan trọng. Dù vậy, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách của các quốc gia dành cho y tế nhìn chung là khá hạn chế. Theo thống kê của WHO, 45 quốc gia chi cho y tế ở mức dưới 8% ngân sách; 14 quốc gia có mức chi dưới 05%. Việc tăng mức chi cho y tế từ ngân sách không phải lúc nào cũng thuận lợi; các lĩnh vực khác như giáo dục, giao thông…cũng được các quốc gia ưu tiên hỗ trợ. Cơ chế tài chính hỗ trợ BHYT cho lao động phi chính thức, thực sự là bài toán khó đối với nhiều quốc gia.

Nhiều biện pháp nhằm tăng mức hỗ trợ bao phủ BHYT với lao động phi chính thức được chia sẻ tại hội nghị. Kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, Chính phủ cần phải chú trọng xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích lao động phi chính thức tham gia BHYT; tạo cơ chế thuận lợi tăng thu nhập cho nhóm này, chẳng hạn như định hướng phát triển mạnh du lịch, xuất khẩu nông sản…Việt Nam cũng là một quốc gia đang có những thay đổi tích cực hướng đến việc tăng diện bao phủ BHYT nói chung và BHYT với lao động phi chính thức nói riêng. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: với tỷ lệ tham gia đạt gần 70% dân số, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân của Chính phủ, và đặc biệt là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014 là những tiền đề quan trọng, tạo sự chuyển biến cho quá trình tổ chức thực hiện BHYT tại Việt Nam. Lao động phi chính thức sẽ được tạo thuận lợi hơn khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định tham gia theo hình thức hộ gia đình. Theo đó, mức đóng của thành viên thứ hai trở đi trong hộ gia đình sẽ được giảm dần; nâng cao mức hưởng khi có thời gian tham gia 05 năm liên tục…

Về cơ chế tài chính hỗ trợ lao động phi chính thức tham gia BHYT, đại diện của Bộ Y tế Philippines chia sẻ cách làm khá hay. Cụ thể, Chính phủ nước này đã tăng thuế đối với các công ty sản xuất thuốc lá, rượu bia, qua đó tạo nguồn hỗ trợ BHYT cho lao động phi chính thức.

Tiến sĩ Shin Yuong-son, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đánh giá cao nỗ lực của các quốc gia ASEAN trong việc hỗ trợ lao động phi chính thức tham gia BHYT. Một số quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan…đã đạt được những kết quả quan trọng. Tiến sĩ Shin Yuong-son nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy kết quả này, các quốc gia cần tăng cường các chính sách đẩy mạnh thực hiện BHYT, tạo cơ chế tài chính linh hoạt hỗ trợ tích cực hơn với nhóm lao động phi chính thức nói riêng và người dân nói chung, qua đó bảo đảm An sinh xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho các quốc gia cũng như toàn khu vực./.

Nguồn TC BHXH