Sửa đổi Luật BHXH: Bảo đảm công bằng giữa các đối tượng tham gia BHXH

11/09/2014 04:00 AM


Chiều 10/09/2014, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 08, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu cho ý kiến một số nội dung trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu cho ý kiến về báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự án Luật BHXH (sửa đổi) trong mở rộng đối tượng tham gia BHXH; chế độ hưu trí và cân đối Quỹ BHXH và giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH... Các ý kiến đều đề cao việc bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng tham gia trong quá trình triển khai chính sách BHXH.

Qua thảo luận, các đại biểu tán thành cao với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Để bảo đảm tính khả thi đối với chính sách này, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn, BHXH Việt Nam và chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định này.

Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường và thị trấn (tham gia BHXH). Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với quy định nhóm này tham gia BHXH tự nguyện nhưng cần bổ sung quy định căn cứ đóng BHXH tự nguyện là mức tiền lương cơ sở và nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 10% mức đóng, tỷ lệ cụ thể do Chính phủ quy định nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách trong từng thời kỳ, đồng thời cần có cơ chế khuyến khích các địa phương và người lao động tham gia ở mức cao hơn.

Nhiều ý kiến cũng tán thành quy định từ ngày 01/01/2018 trở đi áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động. Các đại biểu cho rằng việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH. Theo Dự án Luật BHXH, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 02%, mức tối đa bằng 75%.

Liên quan đến mức hưởng lương hưu hàng tháng, một số ý kiến cho rằng trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động thì cần giảm tối đa các tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu. Việc thực hiện quy định về mức hưởng lương hưu hàng tháng phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH, để bảo đảm tiền lương hưu của người lao động thực chất nhận được không bị sụt giảm nhiều so với trước đó.

Về mức hưởng lương hưu hàng tháng, báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nhiều đại biểu chưa tán thành việc điều chỉnh mức lương hưu hàng khi tuổi nghỉ hưu của người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi này là cần thiết để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng – hưởng BHXH. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 02 phương án để thảo luận. Phương án 01, điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Phương án 02 theo cách Chính phủ xây dựng. Theo đó, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 02% đối với nam và 03% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Đánh giá cả 02 phương án đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng – hưởng BHXH nhưng Uỷ ban Thường vụ nghiêng về phương án 01. Cơ quan giải trình, tiếp thu phân tích, trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động thì cần giảm thiểu tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH (theo Điều 90 Bộ luật lao động) để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 05 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách.

Góp ý về việc có nên giao thẩm quyền thanh tra cho BHXH hay không, ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị đều thống nhất rằng BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính liên quan đến An sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng và đầu tư sinh lời đối với quỹ BHXH, thực hiện cung cấp dịch vụ công, vì vậy nếu bổ sung chức năng thanh tra đối với việc đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH.

Góp ý kiến vào Dự án Luật BHXH (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc sửa đổi Luật BHXH phải trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng; thu đúng, thu đủ, nguyên tắc có chia sẻ và bảo đảm an toàn quỹ BHXH./.

Nguồn TC BHXH