Tăng nguồn lực y tế biển đảo

10/09/2014 03:57 AM


Cả nước có gần 6 triệu người đang làm việc trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến kinh tế biển. Quân và dân tại các đảo xa đất liền, cùng với ngư dân đang ngày đêm vươn khơi, bám biển luôn đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và nhiều mối nguy hiểm về sức khỏe. Do đó, việc tập trung đầu tư phát triển hệ thống y tế biển đảo là rất cần thiết, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền đất nước.

Nhiều gian khó

Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có khoảng 2 vạn dân chủ yếu làm nghề đi biển đánh bắt hải sản và trồng tỏi nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe rất lớn. Tuy nhiên do địa hình cách trở, nơi đây chỉ 1/3 xã có trạm y tế, cấp huyện có Trung tâm Y tế quân dân y nhưng cơ sở này cũng đã xuống cấp và trang thiết bị rất thiếu thốn (máy X-quang và siêu âm trắng đen thế hệ cũ). Đội ngũ cán bộ y tế chỉ có 66 người, trong đó có 13 bác sĩ. Hàng năm, trung tâm khám chữa bệnh cho khoảng hơn 2.000 lượt bệnh nhân nội trú.

Do thiếu thốn trang thiết bị y tế nên các y bác sĩ chỉ thực hiện được một số thủ thuật hồi sức cấp cứu cơ bản, các phẫu thuật cấp cứu trung phẫu và đơn giản như: mổ viêm ruột thừa, bó bột gãy xương, trật khớp, mổ lấy thai... Tương tự, ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), thời gian qua tuy đã được đầu tư một số trang thiết bị y tế nhưng vẫn còn rất thiếu, chưa đồng bộ, đội ngũ y, bác sĩ ít. Do vậy, nơi đây chỉ có thể điều trị các bệnh thông thường, còn phần lớn ca nặng thì phải chuyển bệnh nhân vào đất liền.

Nằm giữa biển Đông, cách đất liền trên 300 hải lý là đảo Song Tử Tây (Khánh Hòa). Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Phúc phụ trách bệnh xá đảo Song Tử Tây cho biết, mỗi năm bệnh xá khám, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho khoảng 1.000 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Nơi đây cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh cho nhiều ngư dân đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa.

Trong đó có nhiều trường hợp bệnh nặng như: suy thận cấp, xuất huyết tiêu hóa nặng, nhiễm trùng đường mật, hội chứng giảm áp sau lặn sâu gây liệt chân, tay, thủng dạ dày… Mặc dù đặc thù bệnh tật của người dân trên đảo và ngư dân khá đa dạng nhưng không chỉ thuốc men thiếu thốn mà thiết bị y tế của trạm cũng rất hạn chế (chỉ có máy siêu âm) nên bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh tật.

Tập trung phát triển y tế biển đảo

Cả nước hiện có gần 6 triệu người đang làm việc trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến kinh tế biển. Trong số này có khoảng 1 triệu lao động làm việc trên 119.000 tàu cá, trong đó có khoảng 28.000 tàu cá hoạt động xa bờ. Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ Y tế, hiện hệ thống y tế biển đảo còn gặp nhiều khó khăn: khoảng 31% các trung tâm y tế thuộc các huyện đảo chưa có cơ sở riêng; 33,5% trạm y tế tại các xã đảo cần xây mới; trên 50% trạm y tế xã đảo không có bác sĩ. Số lượng nhân lực cần bổ sung cho hệ thống y tế biển đảo lên tới hơn 1.500 bác sĩ và trên 260 dược sĩ.

Trong khi đó, theo điều tra về mô hình bệnh tật người dân vùng biển, đảo do Viện Y học biển thực hiện thì tỷ lệ các thành viên trong một hộ gia đình trên các huyện đảo có ít nhất một bệnh chiếm đến 70,5%. Hơn nữa, do đặc thù của nghề nghiệp trên biển nên có hơn 60% người dân mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa, tiếp đó là các bệnh về tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, viêm đường hô hấp, giảm thị lực, thính lực.

Trước thực tế trên, nhằm tăng cường hiệu quả chăm sóc y tế cho ngư dân vùng biển đảo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”, được triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển, với tổng ngân sách 8.200 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là bảo đảm cho người dân sinh sống, làm việc ở vùng biển đảo được tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ bản, mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Lê Tuấn, sau hơn 1 năm triển khai Đề án trên đã đạt được những kết quả khả quan. Trên toàn tuyến biển đảo đã cấp cứu 1.641 ca, khám cấp thuốc, điều trị cho hơn 32.000 lượt người và khám cấp thuốc miễn phí cho 13.600 lượt người. Bộ Y tế đã triển khai các khóa đào tạo chuyên khoa định hướng về y học biển đảo cho 60 bác sĩ ngành giao thông vận tải, quân y; 4 khóa huấn luyện an toàn lặn biển cho 200 thợ lặn và huấn luyện cấp cứu trên biển cho hàng ngàn ngư dân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận về những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện đề án như: Còn thiếu trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, không đủ năng lực hoạt động khi bị mưa bão chia cắt; nhân lực y tế cho các xã đảo, huyện đảo và đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành về y học biển không đủ. Đặc biệt việc cấp thẻ BHYT cho người dân trên đảo còn thấp, chỉ đạt gần 60%.

Để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng sẽ tập trung nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế, nâng cao mô hình khám chữa bệnh quân dân y và cấp cứu y tế trên biển để đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo.

Trước mắt, Bộ Y tế tăng cường y tế dự phòng cho người dân vùng biển, đảo. Từ nay đến năm 2015 xây dựng Trung tâm Quốc gia huấn luyện cấp cứu biển và 4 trung tâm cấp cứu 115. Chuẩn bị thành lập bộ môn Y học biển tại các trường đại học y khoa nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ y tế biển đảo. Ứng dụng những công nghệ hiện đại để hỗ trợ kịp thời việc khám chữa bệnh từ xa.

Theo Báo SGGP