Khi người nghèo chê xuất khẩu lao động

08/09/2014 03:09 AM


Được miễn phí toàn bộ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, ăn ở, đi lại và giáo dục định hướng, cùng với đó là việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp trước khi đi làm việc ở nước ngoài, thế nhưng sau 3 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” (Đề án 71)  dường như vẫn dẫm chân tại chỗ, chưa thể được xem là giải pháp xóa đói giảm nghèo cho hộ nghèo.

Đề án nghìn tỉ đứng trước nguy cơ thất bại vì người nghèo chê xuất khẩu lao động

Chưa có dấu hiệu khởi sắc

Ngày 29-4-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 71. Mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn thí điểm từ năm 2009-2010, đưa 5.000 lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài; từ 2011-2015, đưa đi 50.000 người và từ 2016-2020 tăng thêm 15%. Tổng kinh phí đầu tư của đề án là 4.715 tỉ đồng, trong đó phần vốn hỗ trợ người lao động (NLĐ) 1.542 tỉ đồng và vốn tín dụng ưu đãi 3.173 tỉ đồng. Đề án 71 được ví như chiếc "chìa khóa” để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ các huyện nghèo.

Theo Đề án, NLĐ thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước được vay vốn lãi suất thấp và được miễn phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, đi lại và ăn ở.  Đề án 71 đặt mục tiêu đưa thí điểm 5.000 lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2009-2010; 50.000 người trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH), đến nay chỉ có hơn 9.000 lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam, nguồn vốn vay dành cho lao động các huyện nghèo đi XKLĐ là hơn 8,5 tỷ đồng, nhưng hiện vẫn chưa giải ngân được vì lao động các huyện nghèo Nam Trà My, Tây Giang, Phước Sơn không còn mặn mà với việc đi XKLĐ.

Tương tự tại xã Nàn Sán, huyện Simacai (tỉnh Lào Cai), Phó chủ tịch xã Giàng Seo Châu cho biết, dù cán bộ đã ra sức tuyên truyền, tạo mọi điều kiện vay vốn thế nhưng cũng chỉ có 4 người đi học nghề để đi xuất khẩu lao động. "Ở nhiều nơi khác, chỉ có các công ty xuất khẩu lao động thất hứa với người dân. Còn ở các huyện miền núi thì ngược lại, không ít trường hợp đã học xong định hướng, học xong nghề chỉ chờ ngày lên máy bay thế mà bỏ giữa chừng không rõ lý do”, ông Châu nói.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện  Cục Quản lý lao động xã hội cũng thừa nhận, việc đưa lao động ở các huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn, số lượng lao động đưa đi đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Ví dụ như tại Thanh Hóa có tới 7 huyện nghèo và luôn dẫn đầu về XKLĐ, nhưng việc thực hiện Đề án 71 cũng không mấy khả quan và đang có chiều hướng đi xuống, số người đăng ký tham gia XKLĐ giảm. Nếu năm 2010, tỉnh đưa được 823 lao động thì đến năm 2011 giảm xuống còn 451, năm 2012 là 310 người và 9 tháng năm 2013 chỉ đưa được hơn 60 lao động, trong đó các huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn không có trường hợp nào.

Lối đi nào cho Đề án?

Không chỉ người dân, sau 6 năm triển khai có không ít DN cũng xin rút vì tốn kém quá nhiều cho chi phí tạo nguồn, tuyên truyền để người dân đi XKLĐ. Theo quy định, DN tham gia Đề án 71 được quyết toán phần kinh phí hỗ trợ NLĐ sau khi ứng trước, bao gồm: 100% phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi XKLĐ đối với lao động hộ nghèo và người dân tộc thiểu số; 50% đối với đối tượng khác ở 62 huyện nghèo; tiền ăn ở, sinh hoạt phí 40.000 đồng/người/ngày trong suốt thời gian học (tối đa không quá 1 năm); tiền ở 20.000 đồng/người/tháng; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân 400.000 đồng/người. Bên cạnh đó là tiền tàu xe; chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp. Với chính sách này, khi Đề án 71 bắt đầu có hiệu lực, số lượng DN đăng ký tham gia chương trình khá lớn, vào thời kỳ đỉnh cao lên tới 33 đơn vị với hơn 300 hợp đồng cung ứng lao động. Tuy nhiên, số lượng DN tham gia Đề án ngày càng giảm.

Là người gắn bó nhiều năm với lĩnh vực XKLĐ, nhiều lần lặn lội về các tỉnh miền núi, đến các bản làng tuyên truyền để vận động người dân đi XKLĐ- ông Đào Công Hải, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, qua thống kê ở các huyện và các gia đình có con em đi XKLĐ, trung bình mỗi tháng người XKLĐ tại thị trường Malaysia gửi về cho gia đình từ 5-7 triệu đồng, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản gửi về cho gia đình từ 15-20 triệu đồng... Nhận thấy lợi ích này, ngành LĐ phối hợp cùng các địa phương nỗ lực tuyên truyền song số lượng NLĐ đi vẫn không được như mục tiêu đặt ra.

Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ LĐTBXH cho biết, sẽ rà soát lại chính sách cũng như các phương thức triển khai theo hướng không chạy theo số lượng mà tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn để người lao động tại 62 huyện nghèo có thể tiếp cận được những thị trường có thu nhập cao. Nhưng, giải pháp đó có cải thiện được việc người nghèo chê XKLĐ hay không thì vẫn phải chờ.

Theo daidoanket.vn