Lo ngại về chăm sóc sức khoẻ lứa tuổi vị thành niên

08/09/2014 03:08 AM


Có thể khẳng định, những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) cho thanh niên, trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy: "Chỉ có khoảng 20,7% vị thành niên, thanh niên sử dụng biện pháp tránh thai trong lần quan hệ tình dục đầu tiên; Mỗi năm xảy ra trên 1.000 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục và tình trạng này vẫn có xu hướng gia tăng, chưa được ngăn chặn...".


Tư vấn sức khỏe sinh sản cho giới trẻ (ảnh minh họa).

Trên đây là những con số được đưa ra trong cuộc thảo luận của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về chăm sóc SKSS, SKTD vị thành niên, thanh niên nhằm hoàn thiện báo cáo kết quả khảo sát của ủy ban về vấn đề này. 

Tỷ lệ nạo phá thai tăng

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết, người vị thành niên và thanh niên (từ 10 - 30 tuổi) tại Việt Nam chiếm gần 40% dân số. Những năm gần đây, bên cạnh những tiến bộ trong công tác chăm sóc SKSS, SKTD, thực tế cũng đã nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại. Số cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS, SKTD còn rất thiếu so với nhu cầu; chất lượng dịch vụ tư vấn và can thiệp chăm sóc SKSS chuyên biệt còn hạn chế. Đặc biệt, các cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ này chưa được quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trong khi đó, nhận thức của vị thành niên, thanh niên về giới tính, tình dục an toàn và thực hiện phòng tránh thai rất thấp.

Tại Hội nghị thực hiện chính sách pháp luật về chăm sóc SKSS, SKTD vị thành niên, TS Lê Hoài Chương - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết, theo thống kê của Hội KHHGĐ Việt Nam, phá thai ở trẻ vị thành niên hàng năm là 300.000 ca, chiếm tỷ lệ 20%. Tuy nhiên, các đại biểu dự cuộc thảo luận cho rằng, những con số thống kê có thể chưa phản ánh hết thực tế. TS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cũng cho biết: "Hàng năm, bệnh viện này có khoảng 26.655 trường hợp phá thai, trong đó, trẻ vị thành niên chiếm 6,05%. Tỷ lệ này không biến động nhiều trong những năm qua, nhưng vẫn cao so với các nước trên thế giới. Công tác giảm số lượng phá thai ở lứa tuổi vị thành niên không nên chỉ bó hẹp ở ngành y tế mà cần được xã hội quan tâm nhiều hơn. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành của xã hội, của gia đình và nhà trường để chung tay góp sức nâng cao chất lượng dân số".

Phó Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam Ritsu Nacken cũng cho rằng: "Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tốt cho thanh niên, song chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc thúc đẩy thực thi chính sách, nhất là ở các địa phương để đảm bảo thanh niên nhận được thông tin, dịch vụ liên quan đến SKSS, SKTD mà họ cần".

Phải luật hóa nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản

Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, cần đưa nội dung về chăm sóc SKSS, SKTD vị thành niên, thanh niên vào Luật Thanh niên; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng tiếp cận với quyền và trách nhiệm của vị thành niên, thanh niên; gắn với quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Bổ sung quyền được tiếp cận với thông tin chính thống và dịch vụ SKSS, SKTD có chất lượng... Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình của đại diện các ngành, địa phương.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu, xây dựng chiến lược quốc gia về SKSS, SKTD vị thành niên, thanh niên và đảm bảo nguồn tài chính phù hợp. Chính phủ cũng nên quy định cụ thể về khuyến khích, ưu tiên sử dụng đất đai, vay vốn... đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn này. Ông Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng: "Nếu không quy định được trong luật thì phải quy định ở các Nghị định dưới luật, vì thời gian này, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang chỉnh sửa để năm tới trình Quốc hội. Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Bích (Viện Chiến lược và Chính sách y tế) cũng kiến nghị: Bộ GD&ĐT nên tách việc giáo dục về SKSS, SKTD thành một nội dung riêng thay vì quy định chung chung hiện nay là "kỹ năng sống", chỉ như thế mới có thể hình thành cho trẻ những điều cần và đủ trước vấn đề này.

Theo Báo Kinh tế đô thị