Xiết chặt hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo

08/09/2014 03:03 AM


Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 30/2014/TT-BYT quy định về khám, chữa bệnh nhân đạo. Trong đó, quy định về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ và thủ tục cho phép tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện khám, chữa bệnh nhân đạo tại Việt Nam.




Họp báo thông tin về sự cố 3 trẻ tử vong do tham gia đợt phẫu thuật miễn phí của OSCA

Sau khi xảy ra vụ việc 3 trẻ ở Khánh Hòa tử vong do tham gia đợt phẫu thuật miễn phí của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA), việc ban hành chính sách mới để siết chặt hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo là hết sức cần thiết.

Theo Thông tư 30/2014/TT-BYT, để được cho phép hoạt động, đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo trong nước, đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động (đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước) phải đáp ứng một số điều kiện bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất; nhân sự; trang thiết bị y tế và thuốc; phạm vi hoạt động chuyên môn… Trong đó, về điều kiện nhân sự, Thông tư nêu rõ, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

1- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh (chứng chỉ hành nghề) với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề phù hợp với danh mục kỹ thuật chuyên môn mà đoàn đã đăng ký và đã có thời gian hành nghề khám, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.

2- Là lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp theo quy định nếu thực hiện khám, chữa bệnh nhân đạo bằng y học cổ truyền.

Các thành viên khác của đoàn trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề. Trường hợp thành viên trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh thì phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với phạm vi chuyên môn được phân công. Trường hợp có thực hiện cấp phát thuốc thì người cấp phát thuốc phải có bằng cấp chuyên môn tối thiểu là dược tá hoặc bác sỹ có chứng chỉ hành nghề.

Về điều kiện trang thiết bị y tế và thuốc, đoàn phải có đủ trang thiết bị y tế, hộp thuốc chống choáng, thuốc cấp cứu và thuốc chữa bệnh phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký khám, chữa bệnh nhân đạo. Trang thiết bị phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thuốc sử dụng để khám, chữa bệnh nhân đạo phải thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và còn thời hạn sử dụng. Nếu đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh thì phải được cơ sở đó đồng ý bằng văn bản. Nếu đoàn thực hiện khám, chữa bệnh tại địa điểm khác ngoài cơ sở khám, chữa bệnh thì phải được UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện khám, chữa bệnh nhân đạo đồng ý bằng văn bản.

Khám, chữa bệnh nhân đạo là hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí hoàn toàn cho người bệnh. Thông tư này không áp dụng với cơ sở khám, chữa bệnh chữ thập đỏ tham gia khám, chữa bệnh cho đối tượng BHYT và khám, chữa bệnh có thu tiền dịch vụ khám, chữa bệnh.

Ba nụ cười chưa kịp nở

Ngày 23/8, có ba cháu bé được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện Quân y 87 (BV87) sang Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa (BVKH) với tình trạng giống nhau, nghi là sốc phản vệ sau gây mê. Các cháu lần lượt qua đời trong 3 ngày 23/8, 24/8 và 25/8. Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, ngày 22/8/2014 sau khi khám sàng lọc, Trung tâm OSCA chọn lọc 56 cháu đủ điều kiện để được phẫu thuật. Ngày 23/8/2014 tiến hành phẫu thuật. Trung tâm OSCA sử dụng 2 bàn mổ.

Bàn mổ 1:

Ca đầu tiên là cháu Nguyễn Ngọc Tuyết Vân, nữ, 11 tháng tuổi, bắt đầu gây mê lúc 8h. Sau 10 phút, cháu bị tai biến và được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa với chẩn đoán vào viện: ngưng tuần hoàn, hô hấp ngoại viện sau gây mê mổ hở hàm ếch. Cháu tử vong lúc 14h45 ngày 24/8/2014 với chẩn đoán sau tử vong: ngưng tuần hoàn hô hấp ngoại viện.

Ca thứ 2 là cháu Pi Năng Tuấn Hữu, nam, 16 tháng tuổi được tiếp tục đưa lên bàn mổ và được gây mê. Sau khoảng 10 phút, cháu cũng bị tai biến tương tự và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa với chẩn đoán vào viện: suy tuần hoàn, hô hấp ngoại viện sau gây mê mổ hở hàm ếch. Cháu tử vong lúc 9h ngày 25/8/2014 với chẩn đoán sau tử vong: suy đa cơ quan/suy tuần hoàn, hô hấp sau gây mê (chưa phẫu thuật vòm họng)Sau khi gây mê bị tai biến 2 ca, Trung tâm OSCA quyết định không sử dụng bàn mổ 1.

Bàn mổ 2:

Thực hiện gây mê và hoàn tất phẫu thuật cho 9 cháu, riêng trường hợp cháu Nguyễn Quang Minh, nam 14 tháng tuổi, là ca mổ thứ 5 của bàn mổ thứ 2 sau khi phẫu thuật xong được đưa ra phòng hồi sức, sau đó cháu bị tai biến và được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa với chẩn đoán vào viện: suy tuần hoàn, hô hấp, hậu phẫu tạo hình vành tai và môi phải. Cháu tử vong lúc 14h20 phút ngày 24/8/2014 với chẩn đoán sau tử vong: ngừng tuần hoàn hô hấp nghi do shock phản vệ nghi do thuốc gây mê. Còn 8 ca đã được phẫu thuật chưa có tai biến gì, đã được Trung tâm OSCA cho xuất viện vào sáng ngày 25/8/2014.

Bà Đặng Thị Thu Hoài, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA, Hà Nội) cho biết, từ năm 2009 đến năm 2013, OSCA đã phối hợp với BV87 tổ chức thành công 2 chương trình phẫu thuật nụ cười. Trong lần thứ 3 phối hợp với BV87, OSCA dự định phẫu thuật tái tạo nụ cười cho 56 em bị khe hở môi/vòm miệng, trong các ngày 23/8 và 24/8. OSCA chịu trách nhiệm hoàn toàn về quy trình chuyên môn và ê-kíp phẫu thuật, BV87 cho mượn phòng bệnh, trang thiết bị để phẫu thuật, cung cấp thuốc. Người phụ trách gây mê chính là bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Bình. BS Bình cho biết, bà có thâm niên hơn 35 năm trong lĩnh vực gây mê. Trong buổi sáng 23/8, hai cháu đầu tiên được BS Bình gây mê trước khi phẫu thuật vá hàm ếch là Tuyết Vân và Tuấn Hữu. Loại khí gây mê được dùng là Servofrane, loại thuốc gây mê được dùng là Fresfol. Khi Tuyết Vân có triệu chứng trụy hô hấp, rối loạn nhịp tim, bà cho rằng trường hợp Tuyết Vân là ca sốc phản vệ sau gây mê cực kỳ hiếm hoi, khó có khả năng có ca thứ hai. Do vậy, sau khi bé Tuyết Vân được cấp cứu tại chỗ và tình trạng của bé khá hơn, BS Bình tiếp tục gây mê bé Tuấn Hữu. Kể cả khi Tuấn Hữu có triệu chứng sốc phản vệ như Tuyết Vân, BS Bình và BS Phí Thị Hồng Lê (Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh) vẫn tiếp tục gây mê cho 9 bé nữa, sau đó 9 bé này đều đã được phẫu thuật, trong đó bé Quang Minh, được phẫu thuật tạo hình vành tai phải và vá hàm ếch. Sau phẫu thuật, sức khỏe Quang Minh vẫn bình thường, bé đã được đưa sang phòng hậu phẫu. Hơn 30 phút sau đó Quang Minh mới có dấu hiệu suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê.

Ngày 25/8, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã đình chỉ chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị hở hàm ếch sau khi có 3 trẻ bị tử vong sau gây mê. Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá quy trình phẫu thuật cho bệnh nhân nhằm tìm nguyên nhân làm 3 trẻ tử vong.

Sau đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên có văn bản gửi chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị làm rõ thẩm quyền cấp phép hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ phẫu thuật nụ cười (OSCA) theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đình chỉ ngay hoạt động phẫu thuật nhân đạo của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phẫu thuật nụ cười.

Theo ĐCSVN, PNO