Khu vực ĐBSCL: Phát triển mạnh nguồn nhân lực y tế

06/09/2014 02:55 AM


Các cơ sở y tế trong và ngoài công lập vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện cần khoảng 3.000 bác sĩ, trên 650 dược sĩ đại học, song việc giữ chân được nguồn nhân lực y tế, nhất là chất lượng cao đang khiến các tỉnh, thành phải đau đầu.

Bác sĩ tuyến xã tại các các tỉnh, thành thiếu trầm trọng

Thực trạng nguồn nhân lực y tế

Trong báo cáo mới nhất của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, toàn vùng có 9.739 bác sĩ công tác trong hệ thống y tế công lập và ngoài công lập trong đó đội ngũ có trình độ sau đại học mới chỉ chiếm chưa đầy 5%. Các tỉnh thiếu bác sĩ nhiều nhất là An Giang: 508 BS; Sóc Trăng: 458 BS và Tiền Giang 363 BS. Có tỷ lệ bác sĩ cao nhất là TP. Cần Thơ 9,10 bác sĩ/vạn dân.

Khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ), trung bình bệnh viện này tiếp nhận gần 400 lượt bệnh nhân/ngày đến khám, điều trị. Trong khi đó, ở đây chỉ có 10 bác sĩ nhưng chỉ có 5 người đang đảm nhiệm làm việc, số còn lại đang được đưa đi đào tạo hoặc nghỉ hộ sản. Đội ngũ cán bộ y bác sĩ luôn phải làm việc trong tình trạng căng thẳng vì thiếu người…

Tại Hội nghị Đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL vào trung tuần tháng 8, các đại biểu đều phản ánh về tình trạng nhiều trường ĐH dân lập và công lập, đăng ký đào tạo nhân lực y tế tăng lên một cách chóng mặt. "Có trường ở khu vực ĐBSCL lần đầu thành lập nhưng mở một lúc 4 mã ngành, đào tạo cả bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật xét nghiệm, điều dưỡng. Không biết chất lượng đào tạo tại cơ sở này ra sao khi hiệu trưởng, phó hiệu trưởng không phải là bác sĩ, dược sĩ… Thật là nguy hiểm quá!”, PGS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Cần Thơ lo ngại.

TS, BS Phạm Văn Đởm, Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết hiện nay 70/145 xã của tỉnh chưa có bác sĩ, nhất là ở các xã đảo. Kiên Giang đành chấp nhận tăng nhanh số lượng để có bác sĩ phủ kín các xã đảo, biên giới. Do chạy theo số lượng nên chất lượng của đội ngũ y bác sĩ giai đoạn này thấp, người bệnh không tin tưởng nên đã khám vượt tuyến rất nhiều.

Cần có cơ chế "giữ chân” nguồn nhân lực

Có một thực tế khiến các tỉnh thành thấy lúng túng khó xử lý khi tình trạng số sinh viên tốt nghiệp các trường như Trường ĐH Y Dược Cần Thơ và một số trường y, dược tại TP.HCM lại không chọn trở về địa phương phục vụ mà chọn phục vụ tại các BV, cơ sở y tế và công ty dược tư nhân tại các thành phố lớn vì thu nhập khá hơn. Tỉnh Sóc Trăng từ 2012 đến nay chỉ thu hút được 3 bác sĩ mới ra trường về tỉnh công tác, nhưng lại tiếp nhận hàng chục đơn tha thiết xin nghỉ việc hay chuyển công tác tới địa phương khác…

Ở Trung tâm Pháp y Cần Thơ chỉ ba bác sĩ, một người giữ chức giám đốc, một người là phó giám đốc, bác sĩ còn lại giữ chức trưởng phòng tổ chức hành chính nhân sự.

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ nhận định: Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đang rất ít bác sĩ, dược sĩ được đào tạo có tay nghề khá, giỏi. Bác sĩ Lệ Phi mạnh dạn đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế nên có chủ trương cho phép Trường đại học Y Dược Cần Thơ được chuyển số thí sinh thi vào trường này có điểm thi cao từ ngành này sang ngành khác.

Nguồn daidoanket.vn