Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo & tổ chức thực hiện tốt công tác BHYT học sinh, sinh viên

06/09/2014 02:53 AM


Năm học 2014 – 2015 là năm thứ 20 triển khai Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) trên phạm vi cả nước và cũng là năm thứ 05 triển khai BHYT bắt buộc đối với học sinh, sinh viên theo quy định của Luật BHYT.

Có ý nghĩa hơn khi năm học này được khởi động cùng thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT vừa được Quốc hội thông qua với nhiều quyết định mới về tránh nhiệm tổ chức thực hiện BHYT học sinh, sinh viên. Trước thềm năm học mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đã dành cho phóng viên Tạp chí BHXH cuộc trao đổi về công tác này.

Thưa đồng chí Thứ trưởng, nhằm tạo nguồn lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, công tác BHYT đã được thực hiện trong hệ thống trường học từ năm học 1994 - 1995, đến nay đã được tròn 20 năm và luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của ngành Giáo dục, nhà trường và đông đảo cha mẹ học sinh. Xin đồng chí Thứ trưởng đánh giá khái quát về những chuyển biến tích cực và những hạn chế, tồn tại của BHYT đối với công tác y tế trường học, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 đã xác định mục tiêu của Giáo dục là: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Sức khỏe tốt là một mục tiêu quan trọng của giáo dục toàn diện HSSV trong trường học. Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục sức khỏe cho HSSV -  những chủ nhân tương lai của đất nước, là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Thực hiện chủ trương đó, ngay từ năm học 1994 – 1995, Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện BHYT học sinh, sinh viên trên phạm vi cả nước (Thông tư Liên tịch số 14/TTLB ngày 19/09/1994). BHYT học sinh, sinh viên là sự kết hợp toàn diện các yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho HSSV, từ việc chăm lo sức khỏe ban đầu tại y tế trường học, đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khi rủi ro, ốm đau phải chuyển đến bệnh viện.

Kể từ khi triển khai Luật BHYT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong cả nước nghiêm túc triển khai BHYT học sinh, sinh viên và yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo đưa việc thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên vào một trong các chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm đối với cơ sở giáo dục. Luật BHYT được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong học sinh, sinh viên vì vậy BHYT đã được triển khai có hiệu quả, đa số học sinh đã ý thức được vai trò của việc tham gia BHYT.

- Bộ GD&ĐT đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch liên ngành về bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em:

+ Công văn số 1793/BGDĐT-CTHSSV ngày 19/3/2013 về việc báo cáo tình hình công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2011 - 2012 và 2012 – 2013 tại các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

+ Công văn số 9490/BGDĐT-CTHSSV ngày 26/10/2009 chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp về việc thực hiện Luật BHYT.

+ Công văn số 6874/BGDĐT-CTHSSV ngày 20/10/2010 về việc tăng cường phối hợp thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên.

+ Kế hoạch số 997/KH-BYT-BGDĐT ngày 19/11/2012 giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện “Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT về bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em, HSSV trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2012-2020” (Chương trình phối hợp số 993/CTr-BYT-BGDĐT ngày 16/11/2012) trong đó có công tác “truyền thông về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của HSSV đối với việc tham gia BHYT” và thực hiện BHYT bắt buộc với HSSV.

+ Hằng năm, Bộ GD&ĐT ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học về công tác HSSV, trong đó đối với công tác y tế trường học tập trung vào các nội dung: triển khai, thực hiện, kiểm tra giám sát việc thực hiện các văn bản pháp quy; tổ chức các hoạt động tập huấn giáo viên, cán bộ y tế trường học về chuyên môn nghiệp vụ về YTTH, về truyền thông giáo dục sức khoẻ, phòng, chống bệnh dịch, BHYT…

Sau 20 năm triển khai, công tác BHYT trong trường học đã đạt được những kết quả quan trọng: Đến hết năm 2013, cả nước đã có trên 11,3 triệu HSSV tham gia BHYT (chưa kể đối tượng học sinh, sinh viên tham gia theo đối tượng hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng đặc biệt khó khăn và thân nhân sĩ quan), đạt 85%. Đây là một nỗ lực hết sức to lớn của Ngành BHXH, Ngành Giáo dục và toàn xã hội. BHYT đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV. Báo cáo thống kê hằng năm cho thấy: nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại YTTH ngày càng tăng, cụ thể: năm 2007 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2008 khoảng 150 tỷ đồng; năm 2009 khoảng 143 tỷ đồng; năm 2010 trên 215 tỷ đồng; năm 2011 là 348,5 tỷ đồng; năm 2012 trên 389 tỷ đồng và đến năm 2013, con số này tăng lên 441 tỷ đồng.

- Theo báo cáo của các Sở GD&ĐT, tỷ lệ phân bổ kinh phí cho y tế trường học tại các cơ sở giáo dục cũng tăng dần từ nguồn Quỹ BHYT và giảm dần nguồn đầu tư từ ngân sách. Cụ thể, năm 2006, kinh phí phân bổ cho công tác YTTH từ BHYT chỉ chiếm 39,4% thì đến năm 2011 con số này đã tăng lên 70,4%, trong khi tỷ lệ kinh phí từ ngân sách nhà nước giảm từ 52,3% xuống còn 25,6%. Năm 2013, tỷ lệ tương ứng là 82,5% kinh phí từ BHYT và chi từ ngân sách chỉ còn chiếm 17,5%. BHYT đã và đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của YTTH. Tỷ lệ này cao hơn ở các trường có số HSSV tham gia BHYT đông và thấp hơn ở những trường có số HSSV tham gia BHYT ít. Bên cạnh lợi ích được khẳng định từ việc xây dựng và phát triển hệ thống YTTH, hàng triệu học sinh, sinh viên được hưởng quyền lợi khi rủi ro, đau ốm phải khám, điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước; trong đó nhiều trường hợp có chi phí hàng trăm triệu đồng cũng được Quỹ BHYT chi trả, giúp cho các em có sức khỏe để tiếp tục học tập, rèn luyện, chuẩn bị tốt hành trang xây dựng đất nước. BHYT đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác YTTH nói riêng và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV nói chung.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả nêu trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng góp, nhưng chỉ mới 85% HSSV tham gia BHYT so với yêu cầu bắt buộc tham gia BHYT của Luật BHYT. Điều này đồng nghĩa với việc còn 15% HSSV chưa tham gia đóng góp vào phần Quỹ BHYT dành cho YTTH để chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh thông qua BHYT. Tỷ lệ sinh viên các trường đại học, cao đẳng tham gia BHYT còn thấp, chủ yếu chỉ tham gia năm đầu khi mới nhập trường. Một số nhà trường chưa quan tâm đúng mức đối với sức khỏe HSSV, nên thiếu quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác BHYT. Còn thiếu chế tài xử lý vi phạm, do đó hiệu quả còn hạn chế. Công tác truyền thông về BHYT học sinh, sinh viên dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, một số bậc cha mẹ học sinh còn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc tham gia BHYT; gia đình, nhà trường và xã hội chưa có giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ một số HSSV có hoàn cảnh khó khăn không thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHYT.

Công tác phối hợp giữa các ban ngành trong việc chỉ đạo, thực hiện công tác YTTH trong đó có công tác BHYT tại một số địa phương còn thiếu chặt chẽ; một số chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác này. Việc tuyển dụng cán bộ làm công tác YTTH còn gặp nhiều khó khăn vì công việc này chưa thực sự hấp dẫn đối với cán bộ y tế. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị liên quan đến công tác YTTH còn thiếu, kinh nghiệm còn hạn chế dẫn đến chất lượng công tác YTTH chưa đạt yêu cầu, từ đó làm giảm sức hấp dẫn của BHYT.

Sau 05 năm thực hiện Luật BHYT, ngày 13/06/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới quan trọng. Đặc biệt với quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” thay vì quy định “có trách nhiệm tham gia” như trước đây, xin Thứ trưởng cho biết quan điểm, giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức thực hiện quy định này của Luật BHYT?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc là một bước đột phá mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho các cơ sở giáo dục triển khai có hiệu quả hơn nữa công tác BHYT học sinh, sinh viên. Bộ GD&ĐT đồng tình cao với quy định tham gia BHYT là hình thức bắt buộc đối với mọi đối tượng.

HSSV trong trường học chiếm gần 26% (khoảng 1/4) dân số cả nước thì chủ trương bắt buộc phải thực hiện BHYT là một quyết định hết sức quan trọng. Để quy định pháp luật này thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo, trong năm học mới 2014 – 2015, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong cả nước tiếp tục thực hiện tốt công tác BHYT, cụ thể là:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Ngành, nhất là Ban Giám hiệu các nhà trường, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc tổ chức thực hiện công tác BHYT học sinh, sinh viên, trong đó có công tác y tế trường học, bảo hiểm y tế HSSV. Tiếp tục đưa việc thực hiện BHYT vào xem xét đánh giá kết quả thi đua các cơ sở giáo dục.

- Cùng với cơ quan BHXH, các nhà trường cần chủ động, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của HSSV về vai trò, ý nghĩa, lợi ích và trách nhiệm nghĩa vụ tham gia BHYT; tuyên truyền, giải thích để phụ huynh nhận thức và chấp hành việc thực hiện BHYT cho con em mình theo quy định của pháp luật, vì sức khỏe của bản thân học sinh, vì sự an toàn của gia đình và sự ổn định, phát triển của xã hội.

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế trong các trường học, đảm bảo mỗi trường học có ít nhất một cán bộ chuyên trách về YTTH. Phối hợp với cơ quan BHXH thường xuyên tập huấn nghiệp vụ công tác BHYT học sinh, sinh viên cho cán bộ chuyên trách công tác YTTH, đặc biệt chú trọng đến những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

- Chủ trì, phối hợp với BHXH địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên tham gia BHYT, huy động nguồn lực từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHYT.

- Phối hợp với cơ quan BHXH địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật BHYT, chính sách, chế độ BHXH, BHYT; hướng dẫn quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được trích từ quỹ BHYT học sinh trong việc củng cố và phát triển mạng lưới y tế trường học, thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho HSSV ngay tại nhà trường; hàng năm học, tổ chức sơ kết, đánh giá công tác BHYT học sinh, đề ra nhiệm vụ giải pháp triển khai BHYT học sinh cho năm học tiếp theo, gắn việc thực hiện BHYT học sinh với công tác thi đua của từng đơn vị trường học, đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT.

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT mới được Quốc hội thông qua. Tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên theo quy định bắt buộc của Luật BHYT. Thực hiện tốt quy định tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và 2020: “Đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các Sở GD&ĐT, các nhà trường”. Xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp cho việc triển khai công tác BHYT trong trường học. Đề xuất với các Bộ, ngành có liên quan, tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các địa phương dành nguồn ngân sách tạo lập Quỹ hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia BHYT. Xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hành động liên ngành về công tác BHYT đối với HSSV.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, bổ sung điều 7b về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, trong đó quy định về trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện BHYT và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia BHYT cho đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thực hiện các quy định của Luật như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Để một chính sách đi vào cuộc sống, nếu các quy định về cơ chế thực hiện là “điều kiện cần” thì các quy định về trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách là “điều kiện đủ”. Có thể thấy Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã góp phần hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật BHYT khi đưa ra các quy định hết sức chặt chẽ về trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức thực hiện. Với trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật, nhằm tổ chức thực hiện Luật đạt hiệu quả cao nhất, trước mắt tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

- Một là, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện theo các quy định của Luật và các văn bản dưới Luật hướng dẫn về công tác BHYT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Giáo dục, nhất là văn bản chỉ đạo mạnh mẽ quyết liệt hơn đối với công tác BHYT cho HSSV.

- Hai là, chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật BHYT, trong đó chú trọng vào các nội dung như trách nhiệm của hệ thống giáo dục, đào tạo từ tỉnh, thành phố đến huyện, quận, nhà trường trong tổ chức thực hiện BHYT bắt buộc đối với học sinh, sinh viên; tổ chức y tế trường học và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên tại y tế nhà trường; sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí dành cho y tế trường học,…

- Ba là, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT trực tiếp đối với các cơ sở giáo dục do Bộ quản lý.

- Bốn là, qua thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục thiếu trách nhiệm, không thực hiện Luật BHYT, để tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT thấp, không tổ chức tốt công tác y tế trường học. Đồng thời, kịp thời động viên khen thưởng các tập thể, cá nhân trong Ngành thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHYT và công tác y tế trường học.

Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thành lập, kiện toàn hệ thống y tế trường học để chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, xin Thứ trưởng cho biết kế hoạch của Bộ để thực hiện quy định này có hiệu quả?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Trước hết, phải khẳng định rằng, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác YTTH là công việc thường xuyên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang triển khai tích cực trong thời gian qua theo tinh thần Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg, đây cũng là một trong những nhiệm vụ được quy định tại Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020.

- Để phát triển YTTH, cùng với nguồn nhân lực, việc đầu tư và đảm bảo về tài chính cũng là điều kiện trọng yếu. Thực hiện tốt Luật BHYT trong trường học mà BHYT học sinh, sinh viên chính là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống YTTH, góp phần quản lý, chăm sóc và giáo dục sức khỏe cho các em ngay tại nhà trường. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ngành Y tế tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi BHYT tốt nhất cho HSSV, tránh phiền hà, tiêu cực, ảnh hưởng tới chính sách BHYT ưu việt của Đảng và Nhà nước, vì sức khỏe của những chủ nhân tương lai của đất nước.

- Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp phát triển YTTH song hành với phát triển BHYT học sinh, sinh viên đã được quy định tại Quyết định số 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: “Phát triển và nâng cao chất lượng y tế trường học: Xây dựng, bổ sung tiêu chuẩn và nội dung công tác y tế trường học, chính sách về sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại các nhà trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định...”.

- Tăng cường công tác giáo dục truyền thông về vai trò của BHYT đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho HSSV. Hướng dẫn cha mẹ học sinh tham gia mua BHYT cho học sinh là việc làm thiết thực để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đối với học sinh.

- Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế các trường về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, chế độ thuốc đảm bảo khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học tốt nhất. Tổ chức thực hiện sử dụng phần kinh phí y tế trường học trích lại từ BHYT đạt hiệu quả cao nhất.

- Phối hợp chặt chẽ với cơ Ngành BHXH, Ngành Y tế và các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện BHYT, tổ chức cho học sinh, sinh viên mua và được cấp thẻ BHYT theo quy định của Luật BHYT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Kịp thời khắc phục các bất cập, tồn tại trong khám, chữa bệnh BHYT, nhất là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia BHYT, tạo niềm tin, tâm lý yên tâm về chất lượng khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe HSSV nói chung và xây dựng hệ thống y tế trường học nói riêng. Xây dựng cơ chế chính sách tuyển dụng cán bộ làm công tác YTTH, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ có chế độ ưu đãi thích hợp, thu hút cán bộ làm công tác YTTH nhằm tăng cường công tác y tế trong các trường học, đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên thời kỳ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.

Nguồn TC BHXH