Thực hiện tốt BHYT học sinh, sinh viên: Tạo tiền đề và nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân

06/09/2014 02:46 AM


Đối tượng học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng chiếm tới gần 1/4 dân số cả nước, đóng vai trò chủ nhân tương lai của đất nước, việc tăng tỷ lệ tham gia BHYT ở nhóm này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân mà còn góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước.

Theo quy định của Luật BHYT, từ 01/01/2010, học sinh, sinh viên là đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT. Thực hiện quy định này, trong các năm qua, công tác BHYT học sinh, sinh viên luôn được tổ chức thực hiện hiệu quả với sự phối hợp giữa Ngành BHXH, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm, nếu như ở năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, năm học 2012-2013, tỷ lệ này là khoảng 80% thì đến năm học 2013-2014, đã có 11,3 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT (chưa kể đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng đặc biệt khó khăn và thân nhân sĩ quan…), đạt khoảng 85%. Nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ cao trên 90% và được duy trì trong nhiều năm như TP.Hải Phòng, TP.Đà Nẵng, các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh,…

Đạt được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực cố gắng của Ngành BHXH, Giáo dục & Đào tạo, Y tế, Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế trường học trên khắp cả nước. Theo sự chỉ đạo từ BHXH Việt Nam, hàng năm BHXH các tỉnh, thành phố đều chủ động tiến hành ký kết chương trình phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện, đưa ra các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể với Phòng Giáo dục & Đào tạo các huyện, các trường học trên địa bàn. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 583/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, các cấp ủy, chính quyền địa phương trên phạm vi cả nước vào cuộc tích cực hơn. BHXH các cấp phát huy vai trò tham mưu, thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo thực hiện, tạo động lực mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tại nhiều tỉnh, cơ quan BHXH đã chủ động báo cáo và đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương chi từ nguồn ngân sách địa phương tăng mức hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc diện hộ cận nghèo tham gia BHYT; lập Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân và phát huy hiệu quả.

Qua 20 năm triển khai thực hiện, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cùng với số thu BHYT học sinh, sinh viên tăng đều qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu BHYT dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. BHYT học sinh, sinh viên đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên (thực hiện theo Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC) luôn được cơ quan BHXH chuyển đến kịp thời, tạo nguồn lực quan trọng phát triển y tế trường học.

BHYT cũng thực sự là chỗ dựa với bản thân mỗi em học sinh cũng như gia đình, giúp các em yên tâm học hành, vượt qua khó khăn bệnh tật. Trung bình mỗi năm có hàng triệu lượt học sinh, sinh viên tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh khi gặp rủi ro, đau ốm. Có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên mắc các bệnh nan y, chi phí chữa trị lên tới hàng trăm triệu đồng cũng được Quỹ BHYT chi trả, giúp các em có cơ hội điều trị bệnh tật.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác mở rộng đối tượng tham gia BHYT học sinh, sinh viên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Tại một số tỉnh, thành phố tỷ lệ tham gia của nhóm này vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Bên cạnh nguyên nhân do một bộ phận học sinh, sinh viên và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của BHYT thì nguyên nhân do tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan chưa thật tốt. Một số cơ quan BHXH chưa thật sự sâu sát trong quá trình triển khai, do vậy chưa tham mưu kịp thời và hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện công tác này. Một số Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, Phòng Giáo dục và đào tạo các huyện, quận chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Tại một số cơ sở giáo dục bậc đại học, cao đẳng, chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT học sinh, sinh viên vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho học sinh, sinh viên…

Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2015 đạt 75% dân số tham gia BHYT; năm 2020 đạt 80% dân số tham gia BHYT. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong những năm gần đây, số học sinh, sinh viên trong cả nước luôn duy trì ở khoảng 20% dân số. Việc tăng tỷ lệ tham gia BHYT với học sinh, sinh viên sẽ tác động trực tiếp đến tăng tỷ lệ tham gia BHYT chung của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Thực tế cũng cho thấy, việc phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT với học sinh, sinh viên ít gặp khó khăn hơn với các nhóm khác vì đây là nhóm đối tượng được quản lý tập trung theo đơn vị trường học, có khả năng nhận thức nắm bắt chủ trương chính sách, pháp luật nhanh, thuận lợi cho công tác tuyên truyền… Bên cạnh đó, với vai trò là những chủ nhân tương lai của đất nước, việc tham gia BHYT sẽ giúp các em học sinh, sinh viên ý thức được rõ vai trò, lợi ích của chính sách BHYT với sức khỏe của chính bản thân, gia đình và cộng đồng; công tác tuyên truyền với nhóm đối tượng này nếu làm tốt, hiệu quả đem lại sẽ không chỉ dừng lại ở một vài năm nhất định. Khi rời ghế nhà trường, bản thân các em sẽ là những công dân hiểu và tham gia BHYT một cách tích cực nhất, không chỉ cho bản thân mà cho cả người thân, gia đình. Có thể khẳng định, phát triển BHYT học sinh, sinh viên chính là quá trình tạo cơ sở vững chắc cho lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trong tương lai không xa.

Nhằm khẳng định vai trò quan trọng của công tác phát triển BHYT học sinh, sinh viên, Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu cần phải có giải pháp mở rộng sự hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, cũng xác định: học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng phải được chú trọng mở rộng diện bao phủ. Những giải pháp cụ thể cũng đã được nêu ra, trong đó trách nhiệm của các nhà trường trong công tác thực hiện BHYT, công tác chăm sóc sức khỏe học đường sẽ phải được chú trọng nâng cao; phát triển và nâng cao chất lượng y tế trường học, sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT tại các nhà trường đúng quy định; xây dựng chương trình và đào tạo đội ngũ nhân viên y tế trường học, cung cấp nguồn nhân lực cho các trường tuyển đủ cán bộ chuyên trách y tế trường học; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để bảo đảm các trường học đều có phòng y tế theo quy định, hoạt động hiệu quả, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên; xây dựng kế hoạch phát triển BHYT đối với học sinh, sinh viên của nhà trường, đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường...

Phát huy bài học kinh nghiệm các năm qua, để tăng tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh  viên năm học 2014-2015, BHXH các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục nêu cao tính chủ động trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT học sinh, sinh viên.

Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phải tiếp tục được đẩy mạnh nhất là phải đánh giá, sơ kết việc triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW và Quyết định 538/QĐ-TTg về Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, giao kế hoạch phát triển đối tượng cho các huyện, trên cơ sở từ đó, căn cứ từng năm, từng thời điểm để có thể tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền sơ kết, tổng kết kết quả triển khai thực hiện trước năm học mới.

Đề nghị với HĐND tỉnh đưa nội dung thực hiện chính sách BHYT nói chung, tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên nói riêng vào Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương. Trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa mục tiêu, kế hoạch phát triển BHYT học sinh, sinh viên vào chỉ tiêu chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, thực hiện nghiêm túc tiêu chí phát triển BHYT trong chương trình phát triển nông thôn mới; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật BHYT, đặc biệt là quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là Ngành Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT đối với HSSV. Phối hợp liên ngành huy động sự đóng góp của các tổ chức đoàn thể, tổ chức phi chính phủ, cá nhân trong và ngoài nước tạo lập Quỹ hỗ trợ HSSV có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa Ngành BHXH và Ngành Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên theo Luật.

Để việc tổ chức thực hiện chính sách BHYT nói chung, BHYT học sinh, sinh viên nói riêng đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp của các cấp các ngành, đặc biệt là cơ quan giáo dục và đào tạo và cơ quan BHXH. Liên Ngành cần phối hợp tham mưu với UBND tỉnh, thành phố và UBND huyện, quận tổ chức tổng kết công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học trước và triển khai công tác năm học mới. Báo cáo tổng kết cần có thống kê, đánh giá, nhận định rõ đặc thù của địa phương từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên một cách mạnh mẽ.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT học sinh, sinh viên.

Công tác tuyên truyền cần được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua nhiều kênh thông tin. Tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh và HSSV về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT học sinh, sinh viên và nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia BHYT và thực hiện chính sách BHYT cho con, em mình. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trong HSSV về chính sách BHYT, làm chuyển biến và nâng cao hiểu biết về tính ưu việt của chính sách BHYT đối với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ tư, tăng cường vai trò, trách nhiệm của hệ thống tổ chức thực hiện BHYT.

Cơ quan BHXH phải thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền về tình hình tổ chức thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn. Đề xuất các giải pháp tăng tính tiếp cận của HSSV với chính sách BHYT: Tổ chức các đại lý thu, chi phí hỗ trợ phát hành thẻ BHYT cho HSSV thuận lợi, phù hợp với điều kiện của các Nhà trường. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý; xây dựng một hệ thống báo cáo thống kê, hoàn chỉnh thống nhất trên toàn quốc, phục vụ quá trình quản lý và xây dựng chính sách. Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực, chất lượng chyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thu BHYT. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ làm công tác thu BHYT với kết quả mở rộng HSSV tham gia BHYT và công tác thi đua khen thưởng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thu và đảm bảo quyền lợi cho HSSV khi đi khám, chữa bệnh.

Thứ năm, chủ động triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vừa qua đã đưa ra một số thay đổi nhằm bảo đảm thực hiện BHYT học sinh, sinh viên tích cực hơn. Cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện xác định, quản lý HSSV tham gia BHYT; thanh kiểm tra việc thực hiện BHYT học sinh, sinh viên; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan hướng dẫn thành lập, kiện toàn hệ thống y tế trường học để chăm sóc sức khỏe ban đầu với trẻ em, HSSV. Luật mới cũng quy định cụ thể, danh sách tham gia BHYT của học sinh, sinh viên do các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở dạy nghề lập.

Từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản pháp lý liên quan đến BHYT học sinh, sinh viên đã được Đảng, Nhà nước ban hành đầy đủ, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương thực hiện BHYT BHYT học sinh, sinh viên là bước đi quan trọng trong hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân ở nước ta. Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH các tỉnh, thành phố, các huyện, quận cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác phát triển BHYT học sinh, sinh viên; tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền đưa ra những chỉ đạo mạnh mẽ; đẩy mạnh phối hợp cùng cơ quan của Ngành Giáo dục, Y tế ở các cấp, tăng cường tuyên truyền từng bước tăng tỷ lệ HSSV tham gia trên địa bàn. Cần nhận thức rõ, thực hiện tốt BHYT học sinh, sinh viên là một bước đi hết sức quan trọng, tạo tiền đề và nền tảng vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân./.

ThS.Trần Đình Liệu Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam