Cả nước xác nhận được trên 8,8 triệu người có công

19/08/2014 08:46 AM


Thời gian qua, chế độ trợ cấp, ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở… đối với người có công được điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Theo thông tin của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các chính sách ưu đãi đối với người có công đã từng bước được hoàn thiện, tương đối toàn diện. Chế độ trợ cấp, ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở… được điều chỉnh, bổ sung; mức trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh đồng bộ với tiền lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội từng bước được cải thiện, ổn định đời sống người có công với cách mạng. Về giải quyết vướng mắc, tồn đọng đối với hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng, đến nay cả nước xác nhận được trên 8,8 triệu người có công. Trong đó có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Tuy nhiên, do chiến tranh kéo dài và phức tạp, vẫn còn một số ít trường hợp chưa được xác nhận và giải quyết chế độ. Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người có công, từ năm 2008 - 2013 đã phát hiện và đình chỉ trợ cấp của hơn 7.000 đối tượng không đủ điều kiện được hưởng, trong đó riêng thương binh là hơn 4.000 người.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng vẫn còn hạn chế. Một bộ phận người có công với cách mạng và gia đình vẫn còn khó khăn do phần lớn người có công đã tuổi cao, sức khỏe yếu; việc ban hành văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc giải quyết chính sách chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; cán bộ chuyên môn, nhất là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của công tác chính sách. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, qua báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và giám sát của Ủy ban tại 7 tỉnh, thành phố cho thấy, các cơ quan liên quan chấp hành nghiêm túc Nghị quyết 494 và 2 Pháp lệnh. Chính sách về người có công được điều chỉnh kịp thời, tạo niềm tin của người có công với chính sách của Đảng và Nhà nước. Đề nghị cần tập trung rà soát các thủ tục. Các thủ tục cần phải nhanh gọn làm sao để người có công cảm thấy đây là chính sách ưu đãi. Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sau khi có kết quả tổng rà soát thì tiếp tục xử lý và chấn chỉnh cho phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đặt vấn đề: Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, do chính sách mới đã được ban hành, nhưng văn bản hướng dẫn chậm, khiến một số trường hợp vẫn hưởng chính sách cũ, dẫn đến việc phải truy thu một khoản tiền không nhỏ, tạo ra bức xúc trong dư luận. Thừa nhận về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ đã đề nghị Chính phủ là không truy thu các trường hợp đã nhận trợ cấp trước khi văn bản hướng dẫn ban hành và có hiệu lực thi hành. Nhiều ý kiến cũng đặt câu hỏi làm thế nào để tránh chuyện địa phương lợi dụng sự ưu đãi từ chính sách để trục lợi cũng được làm rõ. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, từ năm 2008 - 2013 qua thanh, kiểm tra đã phát hiện và đình chỉ trợ cấp của 7.085 đối tượng do không đủ điều kiện hưởng chính sách, trong đó riêng thương binh là 4.016 người, thu hồi 75.660 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước. Chính sách ưu tiên cho người có công thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên phải thực hiện đúng đối tượng, đúng chính sách. Không sợ sau rà soát số lượng người hưởng chính sách tăng lên, quan trọng là xác định đúng đối tượng, tạo sự công bằng.

Với những lúng túng trong thực hiện các chính sách với người bị nhiễm chất độc hóa học, thanh niên xung phong mất giấy tờ gốc… mặc dù lãnh đạo Bộ LĐTB&XH giải thích rằng đang cố gắng để thực hiện, đảm bảo đúng quy trình. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành hữu quan cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân không phải mất nhiều thời gian đi lại. Chẳng hạn, vấn đề chất độc màu da cam khiến nhiều người vô sinh nhưng phải đợi đến 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi với nam mới được công nhận là vô sinh thì quá cứng nhắc, phải hạ độ tuổi này xuống. Bà Mai khẳng định, vấn đề chính sách vướng, chậm triển khai là do thủ tục. Vì vậy, phải nhanh chóng sớm tháo gỡ những ách tắc này. Một vấn đề được đặt ra là hiện tượng tranh chấp thờ cúng, làm hồ sơ phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng đang bị vướng với những trường hợp đã tái giá, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, với vợ liệt sĩ tái giá có một con duy nhất là liệt sĩ, nếu đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, thì không cần hướng dẫn nữa mà nên xét phong tặng danh hiệu. Vấn đề tranh chấp xem ai được thờ cúng liệt sĩ, ai là người được lập hồ sơ phong tặng, truy tặng nên có văn bản hướng dẫn giao cho Chủ tịch xã, phường quyết định.

Theo VOV, ĐCSVN