74% sinh viên Việt Nam tự tin tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp

01/08/2014 09:46 AM


Theo kết quả của cuộc khảo sát do Công ty Adecco Việt Nam và Công ty AIESEC Việt Nam thực hiện, có tới 74% sinh viên đang học ở các trường Đại học tại Việt Nam tự tin tìm được việc làm ngay sau khi ra trường và thời gian tìm được việc là từ 1- 4 tháng.


Thanh niên tìm việc làm tại một trung tâm

Bà Nicola Connolly, Giám đốc Điều hành Adecco Việt Nam, cho biết kết quả trên thể hiện sự tự tin của giới trẻ Việt Nam hiện nay trong việc tìm kiếm công việc mà mình ưa thích và có đến 80% các bạn trẻ lựa chọn tìm việc ở các ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ như kế toán, công nghệ thông tin, tài chính. Vấn đề trách nhiệm xã hội cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm và rất sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội. Ông Lee Dalchow, Giám đốc Marketing Công ty AIESEC Việt Nam, cung cấp thêm thông tin cuộc khảo sát này được thực hiện với 2.657 sinh viên đến từ hơn 80 trường Đại học tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương khác. Cuộc khảo sát được thực hiện theo hai phương pháp phỏng vấn trực tiếp và trả lời bảng hỏi với bốn chủ đề chính gồm học tập, lao động, giao tiếp và trách nhiệm xã hội.

Một số kết quả đáng chú ý trong báo cáo kết quả của cuộc khảo sát đưa ra gồm hơn 61% sinh viên cho rằng việc phát triển kỹ năng mềm là một trong ba yếu tố quan trọng nhất để lựa chọn một trường Đại học tốt; 50% sinh viên ở Hà Nội và 40% sinh viên ở TP.HCM cho rằng kiến thức từ trường đại học không thực sự đóng góp vào các công việc thực tế sau khi tốt nghiệp; có khoảng 40% số sinh viên được khảo sát mong muốn tìm kiếm cơ hội đi du học, học lên cao sau khi tốt nghiệp đại học; 60% sinh viên lựa chọn môi trường làm việc là yếu tố quyết định nơi đầu quân làm việc. Hơn 42% sinh viên Hà Nội và 39% sinh viên TP.HCM dành thời gian từ 3-5 giờ mỗi ngày trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook...

Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ có có gần 21% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay sau khi ra trường (số liệu thống kê trong quý 4/2013). Do đó, theo bà Nicola Connolly, các bạn trẻ cần phải tự chuẩn bị và quản lý kỳ vọng của mình trong khi tìm kiếm công việc đầu tiên. Cụ thể, các bạn trẻ nên biết làm thế nào để lựa chọn một công ty tốt để làm việc và trang bị cho mình kỹ năng mềm nhiều hơn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 69% ban trẻ muốn ở lại công ty đầu tiên trong 1-2 năm thực tế thời gian này chỉ là đủ tốt để học hỏi và thích ứng với văn hóa công ty. Sau thời gian này, họ phải quyết định xem họ có thể phát triển trong công ty hiện tại hoặc quyết định chuyển sang một môi trường khác cho một khởi đầu mới.

Thay vì về quê làm việc với nhiều đãi ngộ, không ít lao động trẻ cố chấp ở lại thành thị dù phải trầy trật với việc làm. Tốt nghiệp ngành Dược Trường ĐH Y Dược TP.HCM được 2 năm, dù chưa có việc làm ổn định nhưng chị Đinh Thùy Trang (quê tỉnh Nghệ An) vẫn quyết tâm ở lại TP. Do yếu ngoại ngữ nên chị đều rớt khi ứng tuyển vào các công ty dược đa quốc gia: "Công ty trong nước ít có nhu cầu tuyển trình dược viên nên tôi vẫn chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn. Dù người thân khuyên về quê tìm việc nhưng tôi vẫn lo lắng với môi trường làm việc khắc nghiệt cũng như lương bổng, chế độ tại địa phương. Cách làm việc ở quê không thoải mái, cơ sở vật chất cũng không bằng TP, liệu chúng tôi có cơ hội chứng tỏ bản thân? Hơn nữa, tôi còn nghe nói muốn xin được việc phải quen biết hoặc... đi cửa sau". Cô tạm cất tấm bằng ĐH Y Dược để học thêm nghiệp vụ kế toán, phục vụ cho công việc tại một công ty kinh doanh mỹ phẩm ở TP.HCM.

Khó khăn hơn, Nguyễn Văn Nhật - cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, quê tỉnh Hà Tĩnh - phải vào nhà máy làm công nhân với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Hiện anh vẫn giấu gia đình việc mình phải làm công nhân để kiếm sống: "Nguy cơ thất nghiệp ở nông thôn luôn cao hơn thành thị. Lương cho vị trí đúng chuyên môn ở quê chưa chắc đã cao bằng việc làm trái ngành ở TP". Theo một khảo sát, 33,3% SV có kế hoạch du học sau khi tốt nghiệp; 60% SV cho rằng môi trường làm việc là yếu tố quyết định nơi họ đầu quân, điều đó có nghĩa đa số ứng viên trẻ đánh giá thấp môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ nhân tài ở quê nhà.

Trong khi đó, để thu hút lao động trẻ, đa số địa phương đã thực hiện nhiều chính sách việc làm ưu tiên. Đơn cử ở Nghệ An, UBND tỉnh này đang triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân lực chất lượng cao năm 2014. Theo đó, SV tốt nghiệp ĐH loại giỏi, xuất sắc, thủ khoa; học sinh đoạt giải chính thức trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ĐH đều được xét tuyển thẳng vào công chức, viên chức. Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An còn quy định các cơ quan đang thiếu người phải đăng ký công khai chỉ tiêu tuyển dụng, tránh trường hợp giấu biên chế để giải quyết cho "trường hợp khác".

TP. Đà Nẵng cũng là một trong những điểm sáng khi thực hiện hiệu quả việc mời gọi và giữ chân nhân tài. Hiện Đà Nẵng áp dụng nhiều cách thức phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao như ưu tiên tuyển SV khá, giỏi; đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... Theo thống kê, bình quân hằng năm, Đà Nẵng chi 75 tỉ đồng để đào tạo nhân lực chất lượng cao. Trong 15 năm qua, hơn 1.000 lao động trình độ ĐH trở lên đã được bố trí công việc tại địa phương. Theo ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng, TP đang tìm giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, y khoa. Việc chiêu mộ gắn liền với giữ nhân tài cũng được TP này đặc biệt quan tâm.

Ông Khưu Thiên Tinh - Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và Giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM - nhận xét: "Số SV tốt nghiệp CĐ, ĐH bổ sung vào lực lượng lao động TP ngày càng tăng (chiếm bình quân hơn 30% tổng nhu cầu tuyển dụng hằng tháng), gây nhiều trở ngại cho vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP. Thực tế cho thấy nhiều lao động đã thành công khi ở lại. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tấm gương khi chọn con đường lập nghiệp ở quê nhà. Lao động trẻ phải tự lượng sức để chọn cách lập nghiệp phù hợp với bản thân".

Theo Tin tức, NLĐO