Hậu XKLĐ: Chỉ 10% người lao động về nước tìm được công việc phù hợp

01/08/2014 02:22 AM


Bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng 80.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, bên cạnh lợi ích về kinh tế thì thông qua XKLĐ chất lượng nguồn nhân lực nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn đang để lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng này.


Sau xuất khẩu lao động là... thất nghiệp

Phân tích số lượng lao động Việt Nam đi XKLĐ cho thấy, lao động với tư cách chuyên gia chỉ chiếm hơn 0,18%; lao động có nghề gần 43%; lao động phổ thông hơn 56%;lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 49%; thủy sản, vận tải biển hơn 6,2%, giúp việc gia đình hơn 15,2%... Nhằm tận dụng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài đồng thời hạn chế thực trạng lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội chợ việc làm cho những lao động về nước đúng hạn. Tuy nhiên không phải lao động nào cũng dễ dàng tìm được việc làm phù hợp từ những hội chợ này.

Tốt nghiệp Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, Lê Đình Tú (ở Vĩnh Tường- Vĩnh Phúc) sang Hàn Quốc làm thợ hàn công nghiệp với mức lương 1.500 USD/tháng. Sau 4 năm làm việc ở Hàn Quốc, sau khi trả nợ,  giúp bố mẹ sửa nhà số tiền còn lại không đủ mở một xưởng cơ khí riêng nên Tú xin đi làm. Tuy nhiên sau hơn 1 năm xin việc không thành, Tú đành ở nhà theo bạn đi làm phụ hồ: "Cứ ngỡ với trình độ tiếng Hàn cũng như trình độ tay nghề loại khá về nước sẽ dễ xin việc, không ngờ lại khó đến thế. Biết thế này nghe lời mấy an em bên đó trốn ra ngoài ở lại làm một vài năm kiếm thêm chút vốn rồi về. Tuy nhiên, bỏ trốn ra ngoài làm không yên ổn, đầy rủi ro nhưng vì ai cũng sợ về nước rồi lại thất nghiệp nên đành nhắm mắt ở lại làm thêm kiếm thêm chút vốn lận lưng".

Tương tự, anh Lê Văn Hùng (Vĩnh Phúc) cũng từng làm việc 6 năm tại Hàn Quốc trong lĩnh vực đúc nhựa, với tay nghề cao nên thu nhập của anh từ  2.000 - 2.200 USD/tháng nhưng về  nước được  gần  2 năm vẫn thất nghiệp, nhiều nơi tuyển dụng song chỉ trả với mức lương vẻn vẹn 3 triệu đồng/tháng: "Nếu các cơ quan chức năng chỉ đưa ra hình thức xử phạt mà không xây dựng được một chương trình tuyển dụng, tạo việc làm khi người lao động về nước thì khó giảm được số lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc nói riêng và các thị trường XKLĐ nói chung. Nếu có cơ hội tôi sẽ chấp nhận bị phạt 100 triệu đồng để được ở lại Hàn Quốc làm việc thêm một thời gian”.

Giải pháp nào?

Hậu XKLĐ, người lao động phải tự thân vận động, tự tìm việc làm, thậm chí là về nước thất nghiệp, không phát huy được kỹ năng, vốn, và trình độ ngoại ngữ sau thời gian làm việc ở nước ngoài là một thực tế. Kết quả  nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) cũng chỉ ra rằng, chất lượng lao động của người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài đã được cải thiện rõ rệt. Đáng chú ý , lao động  sau khi về nước có việc làm ngay chiếm trên 80%, nhưng đáng nói là chỉ có 10% tìm được công việc phù hợp liên quan đến việc đã làm ở nước ngoài, điều này cho thấy một sự lãng phí rất lớn nguồn lực. Bà Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học - Lao động và Xã hội cho biết, đây là một thực tế cần được tính toán đến khi mà các chính sách hỗ trợ lao động trở về còn thiếu cụ thể. Sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và đối tác xã hội trong việc hỗ trợ người lao động tái hòa nhập cộng đồng và thị trường lao động còn thiếu và yếu.

Là người có thâm niên gắn bó với hoạt động của ngành XKLĐ, ông Đào Công Hải - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhận xét những người đi XKLĐ thường được đánh giá cao bởi có kỷ luật lao động, tay nghề và ứng dụng nhanh công nghệ mới. Song  hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đưa người đi XKLĐ chứ chưa quy định trách nhiệm cụ thể trong việc tổng hợp, đánh giá nguồn lực lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về theo địa bàn, ngành nghề, trình độ, tuổi tác, giới tính, nguyện vọng…Bên cạnh đó việc thực thi các quy định hỗ trợ tạo việc làm cho lao động xuất khẩu sau khi về nước còn thiếu những hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp XKLĐ và hệ thống hỗ trợ việc làm. Đại diện công ty tuyển dụng nhân sự Manpower cho rằng, việc chưa tận dụng nguồn lực của những người từng đi lao động tại nước ngoài là một sự lãng phí bởi thực tế các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu rất lớn đối với nguồn lực này. Bất cập lớn nhất của Việt Nam là chưa có nguồn dữ liệu thông tin về lao động đi xuất khẩu trở về để khớp nối với nhu cầu tuyển dụng trong nước.

Xuất phát từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng việc chưa tận dụng nguồn lực của những người từng đi lao động tại nước ngoài là một sự lãng phí lớn. Do đó cần sớm tổ chức đơn vị làm dịch vụ hỗ trợ lao động sau khi về nước tái hòa nhập như tăng cường kết nối thông tin thị trường lao động; đào tạo chuyển đổi kỹ năng nghề đã làm tại nước ngoài phù hợp với thị trường lao động trong nước. Để làm được điều này, ngoài việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ lao động di cư, Bộ LĐTBXH cùng các địa phương cần phải xây dựng được ngân hàng dữ liệu về lao động trở về, cập nhật thường xuyên để các doanh nghiệp, công ty xuất khẩu lao động , trung tâm dịch vụ việc làm có thể khai thác, kết nối thị trường lao động, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động.

Đi làm thuê, về làm chủ

Sau 10 năm thực hiện, Đồng Tháp đã có trên 6.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế công tác XKLĐ ở Đồng Tháp đang... lùi. “Từ năm 2007 đến nay, bình quân mỗi năm chỉ có 214 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm hơn 70% so giai đoạn 4 năm đầu (2003-2006) và chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước” - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp Bùi Thành Nhơn, nhấn mạnh - "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sụt giảm này, như: Sự hiểu biết các thị trường lao động chưa sâu, dẫn đến lựa chọn một số quốc gia có thu nhập thấp, rủi ro cao; khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008... nhưng cơ bản là do lao động ở Đồng Tháp có trình độ văn hoá chưa cao (chủ yếu chỉ học cấp II), chuyên môn chưa được đào tạo, chưa từng làm việc trong nhà máy, xí nghiệp, khả năng ngoại ngữ kém nên chưa thể đi vào các thị trường lao động có thu nhập cao, rủi ro ít". Đáng lo hơn nạn lao động thiếu ý thức kỷ luật. Cụ thể ở huyện Tháp Mười có trường hợp lao động tự ý “bỏ ngang” sau khi biết đã đủ điều kiện đi XKLĐ ở Nhật và một trường hợp bị đuổi về trong quá trình học tiếng vì vi phạm rượu chè. Sau khi về nhà, lại truyền đạt theo hướng “xuyên tạc” làm ảnh hưởng đến tiến độ XKLĐ.

Đồng Tháp đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để hướng tới nền nông nghiệp kỹ thuật cao. Vì vậy quan điểm của tỉnh là sẽ hướng XKLĐ vượt khỏi mục tiêu cũ, đó là vươn tới mục tiêu "đi làm thuê, về làm chủ” như một số mô hình tiên tiến mà Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang vừa biểu dương. Tái khởi động Quỹ Hỗ trợ XKLĐ giúp lao động nghèo có điều kiện đi XKLĐ... Chủ động thay đổi cách dạy ngoại ngữ và công tác hướng nghiệp ngay trong trường phổ thông để sau này các em gặp thuận lợi hơn khi tham gia vào các thị trường lao động có thu nhập cao. Đặc biệt là có tư thế chủ động đón nhận việc làm: Không chỉ chủ động chọn việc nghề phù hợp với mình mà còn có khả năng tạo ra việc làm cho nhiều người khác. Nếu làm được điều này, lao động sau khi về nước, ngoài tiền bạc, còn mang về nhiều giá trị vô hình khác như kỹ năng, kinh nghiệm và tác phong công nghiệp để phát triển kinh tế, sản xuất tại địa phương mình.

Theo NLĐO