Tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện

31/07/2014 02:24 AM


Khi tham gia BHXH tự nguyện, những NLĐ tự do có thu nhập thấp, không ổn định như nông dân hay thợ thủ công... sẽ được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm cuộc sống khi về già. Tuy nhiên, hiện số người tham gia chỉ chiếm 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia. Vì vậy, sửa đổi Luật BHXH cũng cần đưa ra các điều kiện tham gia có sức hấp dẫn hơn với hình thức bảo hiểm này.

Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, các đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH gộp trong 5 nhóm: người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên; cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công nhân công an; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân; hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân và hạ sỹ quan, chiến sỹ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện khá rộng.

Tuy nhiên, trên thực tế, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia. Con số này dường như trái ngược với mong muốn của đại đa số người dân, nhất là người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Quá trình tham vấn dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho thấy, nhiều cá nhân mong muốn được tham gia bảo hiểm tự nguyện để được nhận một khoản tiền nhất định khi về già. Khoản tiền mang tính chất phòng thân này đặc biệt quan trọng với người sinh sống ở khu vực nông thôn, vì rủi ro trong canh tác nông nghiệp rất lớn, thu nhập thấp và chưa có tính ổn định cao. Hơn nữa, người dân mong muốn được tham gia hình thức bảo hiểm này cũng vì tính an toàn cao, được Nhà nước bảo trợ, trong khi bảo hiểm thương mại lại tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt thòi hơn.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Vậy vì sao một hình thức bảo hiểm ưu việt hơn, nhiều người mong muốn tham gia lại có tính bao phủ thấp như vậy? Câu trả lời từ thực tế là do công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về BHXH tự nguyện mới chỉ được thực hiện tốt ở trên cao, còn chưa tới khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, các DN bảo hiểm thương mại lại cử người đến từng thôn, bản để vận động người dân tham gia. Một tình trạng khá phổ biến khác là người dân có biết thông tin về hình thức bảo hiểm này, nhưng đến đâu để đăng ký, các thủ tục thực hiện như thế nào, mức đóng tiền ra sao... lại không được các cơ quan chức năng ở địa phương hướng dẫn.

Ngoài ra, độ tuổi tham gia bị giới hạn nên không phù hợp với đặc điểm của nông dân, lao động tự do - là những đối tượng chính tham gia hình thức bảo hiểm này. Kết quả khảo sát cho thấy, thường họ có thu nhập có thể tham gia hình thức bảo hiểm này phải sau 30 tuổi. Như vậy, nếu khuôn vào độ tuổi lao động chung thì nông dân, lao động tự do sẽ không có đủ số năm tương đương 75% lương tháng bình quân cả quá trình đóng. Trong khi đó, thủ tục tham gia còn phức tạp, phương thức đóng chưa linh hoạt, khó tiếp cận với người dân. Điều này cộng với việc một số cán bộ bảo hiểm gây khó dễ khi đến nhận sổ hưu, khiến người dân vẫn ngại tham gia hình thức bảo hiểm này, dù cũng muốn có một khoản tiền phòng thân khi về già.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện nhiều nhất ở nước ta là nông dân và lao động tự do, song đây cũng là những đối tượng thu nhập không ổn định. Thu nhập của họ thường chỉ dư giả khi trúng vụ hay tùy theo giai đoạn nhất định, nên nếu chỉ giữ cách đóng hàng tháng, hàng quý, 6 tháng một lần như hiện nay thì các đối tượng này khó theo được. Và một trở ngại khác là mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập do NLĐ lựa chọn nhưng mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Trong khi đó, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng hiện nay là tương đương 22% mức lương lựa chọn, nên nếu chỉ dựa vào mức lương tối thiểu thì mỗi tháng họ phải đóng hàng tháng là 253 nghìn đồng. Mức đóng này có thể không cao với một số cá nhân, nhưng với những diêm dân thu nhập 16.000 nghìn đồng/ngày, nông dân thu nhập 600 nghìn đồng/tháng... thì không dễ theo được. Hơn nữa, họ phải đóng kéo dài trong hơn 20 năm mới nhận được 75% lương tháng tính đóng, nên càng khó hơn.

Để tăng tính hấp dẫn của hình thức bảo hiểm này, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH Phạm Đỗ Nhật Tân cho rằng, cần linh hoạt độ tuổi người tham gia để phù hợp với điều kiện của người dân nước ta; nghiên cứu điều chỉnh mức đóng theo hướng thấp hơn mức hiện hành; linh hoạt hơn về phương thức đóng; cho phép đóng bù một lần cho số năm còn thiếu đối với người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm... Với mức đóng BHXH tự nguyện, nên đưa ra ba hình thức là mức tiền lương cơ sở, mức tiền lương tối thiểu vùng hoặc chuẩn nghèo bình quân của giai đoạn để phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dân./.

Theo: daibieunhandan.vn