Hà Nam kiên quyết xử lý nợ tiền bảo hiểm xã hội

25/07/2014 01:42 AM


Tính đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Hà Nam là gần 80 tỷ đồng, chiếm 7,5% số cần thu, tăng 6,3 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2013.


Khách hàng giao dịch tại BHXH tỉnh Hà Nam

Khởi kiện doanh nghiệp

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội lớn như: Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 820 thuộc Tổng công ty Công trình giao thông 8 không đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2010 với số nợ lên đến 5,7 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi phát sinh, Công ty cổ phần Xi măng X77 nợ trên 5 tỷ đồng, Công ty Thép Hưng Thịnh, Công ty Dệt 19/5 đều nợ trên dưới 2 tỷ đồng…

Sau nhiều lần đôn đốc nhưng không có kết quả, tháng 11-2013, BHXH Hà Nam đã quyết định khởi kiện Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 820. Ngày 13-5-2014, vụ án đã được Tòa án nhân dân TP Phủ Lý đưa ra xét xử, buộc Công ty này nộp số tiền 5,7 tỷ đồng cho BHXH Hà Nam. Đây là trường hợp nợ BHXH đầu tiên bị BHXH Hà Nam kiện ra tòa. Nhưng đến nay, đã hết thời hạn kháng cáo nhưng phía Công ty vẫn chưa có động thái tích cực nào trong việc chấp hành thi hành án.

Tuy nhiên, thời gian tới, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ tình hình thực hiện các quy định vệ pháp luật bảo hiểm, ngành BHXH tỉnh Hà Nam vẫn tiếp tục công tác khởi kiện những doanh nghiệp cố tình vi phạm, nợ đọng tiền bảo hiểm của người lao động, đồng thời xây dựng tiêu chí nợ làm cơ sở khởi kiện và thu hồi sau khởi kiện.

Việc thực hiện khởi kiện nợ tiền BHXH gặp không ít khó khăn do nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong tình trạng làm ăn thua lỗ, người lao động không có việc làm, mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Doanh nghiệp nợ BHXH đồng nghĩa với việc người lao động không được hưởng các chế độ, chính sách. Khi nghỉ việc người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, thậm chí không được tính cả thời gian tham gia đóng BHXH trước đó. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hoạt động có lãi, nhưng vẫn cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh mà không phải đi vay ngân hàng. Một số doanh nghiệp nợ quá thời hạn quy định chấp nhận trả lãi suất BHXH vì thấp hơn so với mức lãi suất vay ngân hàng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong sản xuất kinh doanh, hoặc đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, hoặc chỉ mang tính đối phó, một số khác lại cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng số tiền lớn, thời gian kéo dài, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Trong khi đó, quy định việc xử lý còn nhiều điều, khoản chưa phù hợp, mức xử phạt còn nhẹ, cơ quan BHXH lại không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ nhắc nhở nên tác dụng ngăn ngừa, răn đe đối với các hành vi vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước, chế tài và xử phạt chưa đủ mạnh (mức phạt tối đa không quá 30 triệu đồng) nên vẫn xảy ra tình trạng cố tình chiếm dụng tiền trích nộp BHXH có chiều hướng gia tăng. Cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm BHXH...

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Liễu, Giám đốc BHXH tỉnh Hà Nam: để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu thiệt thòi cho người lao động, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng khác như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn lao động tỉnh.

Được biết, tháng 4 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Hà Nam đã cùng với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nam ký kết quy chế phối hợp về việc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh.

Theo quy chế này, các đơn vị sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Nam hoặc hoạt động ngoài tỉnh đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Hà Nam có tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong tỉnh, khi nợ, chậm đóng sẽ bị buộc trích tiền từ tài khoản để nộp tiền bảo hiểm vào quỹ do BHXH Hà Nam quản lý. Việc làm này là cần thiết để tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chính sách, chế độ BHXH và các cơ quan quản lý trong việc tuyên truyền pháp luật, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và tính nghiêm minh của pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, các ngành chức năng tỉnh Hà Nam cần có các biện pháp kiên quyết hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp thu nợ BHXH đối với những doanh nghiệp cố tình không thực hiện đóng BHXH hoặc chậm đóng BHXH kéo dài, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Theo Đào Phương (Nhân dân)