Thuốc đạt tiêu chuẩn do WHO thẩm định: Giảm 30% giá thành sau khi gia công tại Việt Nam

25/07/2014 12:18 AM


Bộ Y tế sẽ ưu tiên các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư sản xuất trong nước, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc hoặc sản xuất gia công trọn gói quá trình sản xuất thuốc tại cơ sở sản xuất thuốc Việt Nam.


Thực hiện theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, Bộ Y tế đã có công văn số 4024/BYT-QLD hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư 23/2013-TT-BYT hướng dẫn hoạt động gia công thuốc tại Việt Nam. Theo đó, sẽ ưu tiên các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư sản xuất trong nước, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc hoặc sản xuất gia công trọn gói quá trình sản xuất thuốc tại cơ sở sản xuất thuốc Việt Nam. Đối với các cơ sở sản xuất nước ngoài gia công một hoặc một số công đoạn tại Việt Nam, sẽ ưu tiên các loại thuốc được sản xuất ở các cơ sở đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP; thuốc biệt dược gốc do Bộ Y tế công bố; thuốc có dạng bào chế đặc biệt trong nước chưa sản xuất được, hoặc có ít cơ sở trong nước sản xuất được (dưới 3 cơ sở). Đối với vắc xin, huyết thanh chứa kháng thể…, sẽ ưu tiên các vắc xin, huyết thanh… được sản xuất tại các cơ sở đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn EU, GMP, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền đánh giá đạt yêu cầu.

Việc cho phép gia công một hoặc một số công đoạn đối với thuốc, vắc xin, huyết thanh chứa kháng thể… tại Việt Nam, sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận các công nghệ sản xuất thuốc mới, tránh độc quyền đối với các thuốc sản xuất trong nước có ít số đăng ký, tăng nguồn cung và đảm bảo quyền lợi của người dân. Đồng thời tăng cường sản xuất và sử dụng thuốc trong nước. Điều này được chứng minh qua công tác đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế đối với vắc xin viêm gan B, đã cho đóng gói, dán nhãn tại Công ty Vabiotec, đến nay công ty đã chuyển giao công nghệ hoàn toàn tại Việt Nam, một năm cung ứng 1,2 triệu liều, đáp ứng đầy đủ cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Với thuốc có hoạt chất Erythropoetin, hàm lượng 2000IU, chỉ định điều trị thiếu máu liên quan đến bệnh nhân suy thận mãn, trước đây giá trúng thầu cao nhất là 219.000 đồng, nhưng khi Bộ Y tế cho đóng gói, dán nhãn, gia công một số công đoạn tại Việt Nam, giá cạnh tranh đã giảm còn 175.000 đồng (giảm khoảng 30%). Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm tăng chất lượng thuốc, giảm giá thành, mang lại quyền lợi cho người dân.

Tạm ngừng sử dụng một số thuốc

Cục Quản lý Dược vừa đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện- viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tạm ngừng sử dụng trên toàn quốc một số loại thuốc vì gây ra phản ứng có hại với người dùng. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, quyết định này được đưa ra sau khi Cục nhận được báo cáo của Trung tâm Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI&ADR) quốc gia về việc Trung tâm đã nhận được nhiều báo cáo về phản ứng có hại của các thuốc như thuốc bột pha tiêm Koftazide (ceftazidime 1g); thuốc bột pha tiêm Klocedim (ceftazidim 1g); thuốc bột pha tiêm Samtoxim (cefotaxim 1g). Cụ thể, các phản ứng khi sử dụng các thuốc nêu trên như sốc phản vệ, tức ngực, khó thở tím tái, lạnh tay chân, co cứng, sốt cao, co giật...

Do đó, quyết định tạm ngừng việc sử dụng trên toàn quốc đối với Thuốc bột pha tiêm Koftazide (ceftazidime 1g), SĐK: VN-8638-09, do Công ty M/S Kopran Ltd., India sản xuất; thuốc bột pha tiêm Klocedim (ceftazidim 1g), SĐK: VN-5367-08, do Công ty Klona S.R.L, Argentina sản xuất; thuốc bột pha tiêm Samtoxim (cefotaxim 1g), SĐK: VN-5452-08 và Giấy phép nhập khẩu số 16172/QLD-KD ngày 30/9/2013. Yêu cầu Trung tâm DI&ADR tiến hành đánh giá lại quy trình, kỹ thuật tiêm thuốc Koftazide/Klocedim/Samtoxim và quy trình bảo quản thuốc tại cơ sở để xác định sai sót chuyên môn (nếu có).

Bên cạnh đó, công ty nhập khẩu các thuốc Koftazide/Klocedim/Samtoxim, phối hợp với các cơ sở phân phối và sử dụng thuốc có liên quan thực hiện thông báo tạm ngưng sử dụng đối với các thuốc này; báo cáo tình hình nhập khẩu, lưu hành, phân phối sử dụng các thuốc này từ 1/1/2011 đến nay; cơ sở đăng ký lưu hành hay cơ sở xin phép nhập khẩu các thuốc này phối hợp với nhà sản xuất và nhập khẩu thuốc liên quan cung cấp đầy đủ thông tin về phản ứng có hại tại Việt Nam và trên thế giới từ ngày 1/1/2011 đến nay có liên quan đến các thuốc Koftazide/Klocedim/Samtoxim.

Theo ANTĐ, Tin tức