Tập trung giải quyết chế độ cho lực lượng thanh niên xung phong

23/07/2014 08:19 AM


Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đã trở thành hình tượng cao đẹp góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, tập trung giải quyết chế độ cho lực lượng này nhằm đáp ứng nguyện vọng của người có công và toàn xã hội là việc làm cấp thiết.


Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 15/7/1950, Đảng đoàn Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đã thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương (tiền thân của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam) để làm nhiệm vụ phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ khi thành lập, được sự quan tâm trực tiếp, thường xuyên của Bác Hồ, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Lực lượng TNXP Việt Nam đã không ngừng rèn luyện, trưởng thành trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong 64 năm qua, đã có trên 35 vạn nam nữ TNXP phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, lao động sáng tạo với tinh thần dũng cảm, hi sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

64 năm - chặng đường hơn nửa thế kỷ đầy gian lao, khó khăn, thử thách song rất đỗi vinh quang, vẻ vang, tự hào. Lịch sử TNXP Việt Nam là pho sử bằng vàng thể hiện sự trưởng thành vượt bậc, sự cống hiến to lớn của các thế hệ TNXP trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiến thiết xây dựng đất nước. Trong những thời khắc lịch sử quan trọng, nơi nguy nan, cực khổ, nơi máu xương có thể đổ, mạng sống có thể bị tước đoạt, lực lượng TNXP đều có mặt, tỏ rõ được sự mưu trí, anh dũng, gan dạ, quả cảm của mình, có những đóng góp lớn lao. Lịch sử các cuộc kháng chiến của dân tộc đã ghi những mốc son chói lọi, những dấu ấn tạc vào thế kỷ của TNXP Việt Nam. Có những địa danh, những cung đường, trọng điểm gắn liền với chiến công hiển hách của lực lượng TNXP như đường 20 Quyết Thắng (Quảng Bình), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), Truông Bồn (Nghệ An), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)…

Sau chiến tranh, khi trở về địa phương, nhiều người trong số đó còn gặp rất nhiều khó khăn, mất mát. Nhưng phát huy truyền thống anh hùng, trưởng thành trong khói lửa, với ý chí, nghị lực và trách nhiệm với xã hội, họ vẫn luôn giữ được phẩm chất ngời sáng, kiên trung, tham gia tích cực các hoạt động của địa phương, trở thành những nhân tố tích cực, những cán bộ có trình độ, có tâm với Đảng, với dân, với đồng đội, những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay. Hiện nay, nhiều TNXP tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cựu TNXP trở thành những tấm gương sáng trên mọi lĩnh vực. Điều đáng tự hào là rất nhiều TNXP đã trở thành những người làm kinh tế giỏi, không chỉ góp phần làm giàu cho bản thân mà còn tham gia tích cực vào công tác từ thiện, xã hội và góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương… Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tinh thần sẵn sàng xung phong đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi thử thách ác liệt của thế hệ cựu TNXP có sức cổ vũ mạnh mẽ lớp lớp thanh niên Việt Nam vươn lên. Hào khí của thế hệ TNXP vẫn âm vang, thôi thúc hàng triệu trái tim tuổi trẻ hôm nay tình nguyện, xung phong “lên rừng, xuống biển” làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói giảm nghèo, thực hiện công cuộc đổi mới.

Phát huy truyền thống anh hùng của các thế hệ TNXP đi trước, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay tiếp tục xung kích, sáng tạo lập thân kiến quốc thông qua các phong trào “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Năm xung kích, bốn đồng hành”, “Tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng”. Họ đang nối bước các thế hệ TNXP cha anh, tình nguyện lên đường có mặt trên những tuyến đầu gian khó nhất như đến các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp ổn định dân cư, đến các Làng Thanh niên biên giới để lập nghiệp, rèn luyện, trưởng thành, cống hiến hết mình cho dân tộc và Tổ quốc Việt Nam. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, trong 15 năm qua, các cấp, các ngành liên quan đã tham gia đề nghị Nhà nước giải quyết chế độ cho 845 TNXP hy sinh được công nhận là liệt sĩ; 23.403 TNXP bị thương trong lúc làm nhiệm vụ được công nhận là thương binh; 2.309 TNXP và 1.636 con của cựu TNXP được xác nhận bị nhiễm chất độc màu da cam; 107.400 cựu TNXP được hưởng trợ cấp 1 lần và 5.508 cựu TNXP được hưởng trợ cấp thường xuyên; 121.689 cựu TNXP được hưởng chế độ bảo hiểm y tế và 4.970 cựu TNXP qua đời được hưởng chế độ mai táng phí theo Quyết định số 104//1999/QĐ-TTg….

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Cao Vãng, tính đến nay, số lượng cựu TNXP được thụ hưởng chế độ mới chỉ chiếm 70%. Hiện cả nước vẫn còn khoảng 13 vạn cựu TNXP chưa được giải quyết chế độ chính sách nên rất thiệt thòi. Nguyên nhân chủ yếu là do tính chất lịch sử, thất lạc hoặc không có giấy tờ gốc nên công tác xác nhận, giải quyết chế độ còn gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng chưa thực sự quan tâm, nhiều cán bộ còn có biểu hiện hành chính, máy móc trong việc xử lý chế độ chính sách cho những đối tượng không còn giấy tờ gốc. Chính vì vậy, lãnh đạo Hội cựu TNXP Việt Nam kiến nghị, những chính sách Nhà nước đã ban hành cần phải rà soát lại. Đặc biệt, phải có sự linh hoạt trọng giải quyết chế độ với người bị mất giấy tờ gốc… và rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành, bản thân Hội Cựu TNXP tại địa phương. Bởi thực tế cho thấy, hiện một số cấp Hội cựu TNXP đã và đang làm tốt nhiệm vụ nhằm giúp đỡ giải quyết khó khăn cho các đối tượng chính sách.

Đồng chí Võ Văn Cận, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam cũng nhấn mạnh, Hội Cựu TNXP mong muốn sau cuộc tổng rà soát của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sẽ xác định số lượng những người đã được hưởng và người chưa được hưởng chế độ. Đồng thời, Hội cựu TNXP Việt Nam mong muốn, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần có thủ tục "đặc cách” để xem xét, giải quyết chế độ bởi vì TNXP là lực lượng ra chiến trường với tinh thần yêu nước, tự nguyện, khi hoàn thành nhiệm vụ không ai nghĩ đến việc lấy giấy tờ xác nhận. Còn việc xác nhận của đơn vị TNXP thì càng khó khăn bởi các đơn vị TNXP đã giải thể. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định, muốn làm tốt công tác này, các ban, ngành, đoàn thể cần nêu rõ đầy đủ trách nhiệm của mình, đặc biệt là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai rà soát. Các cán bộ được phân công làm nhiệm vụ rà soát cần phải nghiên cứu kỹ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; triển khai đồng bộ công tác truyền thông để người dân quan tâm ủng hộ chương trình tổng rà soát. Bên cạnh việc rà soát các đối tượng chính sách cũng kịp thời phát hiện những bất hợp lý trong chính sách để từ đó kiến nghị hoàn thiện các chính sách đối với người có công.

Theo Báo Tổ quốc