Thi hành các công ước cơ bản của ILO: Việt Nam còn nhiều bất cập

21/07/2014 01:23 AM


Tính đến tháng 5/2014, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã thông qua 189 công ước và 200 khuyến nghị. Hiện Việt Nam đã phê chuẩn 5 công ước trong số 8 công ước cơ bản tập trung vào 4 lĩnh vực là tự do lập hội và thương lượng tập thể, chống lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em, chống phân biệt đối xử. Việc thi hành các công ước này đang được các cơ quan liên quan nỗ lực thi hành, nhưng lại đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập.


Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh Xã hội), so với một số quốc gia trong khu vực, số lượng công ước đã gia nhập của Việt Nam ở mức trung bình; Nhật Bản phê chuẩn 41 công ước, Hàn Quốc phê chuẩn 24 công ước, Thái Lan phê chuẩn 14 công ước... Việc phê chuẩn các công ước đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực hiện các công ước đã phê chuẩn, việc triển khai các quy định này cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Nhiều chương trình quốc gia đã được ban hành và triển khai thực hiện. Trong đó, trọng điểm là các chương trình: chương trình hành động quốc gia về phòng chống buôn bán người; chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, chương trình hành động quốc gia vì trẻ em. Ngoài các công ước đã phê chuẩn, giai đoạn 2012 – 2015, Việt Nam dự định sẽ gia nhập các công ước: Công ước số 15 về xóa bỏ lao động cưỡng bức; công ước 88 về dịch vụ việc làm, công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp về việc làm của người tàn tật; côn ước số 186 về lao động hàng hải; công ước số 95 về bảo vệ tiền lương. Giai đoạn 2016 – 2020, dự định gia nhập: Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu; công ước số 181 về tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân; công ước số 129 về thanh tra lao động trong nông nghiệp; công ước số 189 về việc làm nhân văn cho lao động giúp việc gia đình.

Việc chuyển hóa và thực thi công ước của ILO mà Việt Nam đã phê chuẩn dù được triển khai tích cực nhưng không tránh khỏi khó khăn, hạn chế do độ “vênh” giữa pháp luật Việt Nam quy định về mối liên hệ giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đã có sự thay đổi theo trường phái áp dụng trực tiếp. Ngoài ra, nhiều khái niệm, điều luật... cũng chưa đạt đến sự đồng nhất. Riêng việc chuyển hóa và thi hành các quy định của Công ước số 138 và 182 về xóa bỏ lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam ngoài nỗ lực chuyển hóa các quy định một cách hiệu quả vào pháp luật trong nước còn xây dựng rất nhiều kế hoạch hành động nhằm góp phần vào công cuộc xóa bỏ lao động trẻ em của ILO. Tuy nhiên, nỗ lực là một phần, trong những trường hợp đặc biệt như ở các cơ sở may mặc, chế biến thực phẩm,... trẻ em còn phải làm việc 8-9 giờ/ngày, thậm chí 10-12 giờ/ngày. Ngoài ra, lao động trẻ em còn bị áp lực tâm lý như trả lương thấp, chậm trả lương, bị lăng mạ, lạm dụng. Ngoài việc chính sách “đuổi” theo công ước, còn một khó khăn lớn trong việc thực thi các công ước của ILO tại Việt Nam là cộng đồng còn nhận thức hạn chế về các vấn đề lao động trẻ em, phân biệt đối xử, buôn bán người,... Nhiều năm qua, bên cạnh các thành tựu kinh tế xã hội, việc cải cách bình đẳng giới, môi trường lao động đã được quan tâm nhưng chưa thể giải quyết hết những tồn tại mang tính lịch sử. Về các giải pháp nhằm thúc đẩy việc thi hành các công ước lao động quốc tế cơ bản, Việt Nam cần xây dựng các khái niệm hoàn chỉnh phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định của ILO; nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư; sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp quy; hỗ trợ phát triển thị trường lao động;...

Theo NLĐO