Dự báo sẽ có "làn sóng" lao động Việt Nam nhảy việc vào nửa cuối năm 2014

16/07/2014 09:40 AM


Có đến 49,89% người lao động được khảo sát cho biết có ý định chuyển việc trong nửa cuối năm 2014 và 32,05% nói có thể sẽ thử chuyển việc.


Khảo sát do mạng tuyển dụng JobStreet thực hiện trong tháng 6/2014 với sự tham gia của hơn 9.000 người lao động trên cả nước. Kết quả cho thấy có 73% người lao động nghĩ rằng sáu tháng cuối năm 2014 sẽ thích hợp để chuyển việc, cao hơn 9% so với kết quả từ cuộc khảo sát tương tự hồi năm 2013. Trong đó, 49,89% nhân viên có ý định chuyển việc, 32,05% cho rằng có thể sẽ thử chuyển việc và 18,05% sẽ không chuyển việc trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, chỉ có 11,48% nhân lực tự tin sẽ tìm được công việc mới trong một tháng, trong khi 46,28% nghĩ rằng phải mất đến gần hai tháng mới tìm được việc; 29,75% nói mất 3-5 tháng và 12,49% nói mất hơn sáu tháng để tìm việc. Một cuộc khảo sát tương tự tại Singapore cũng cho thấy có 79,41% lao động nghĩ rằng có thể mất 1-3 tháng để tìm việc mới và 20,59% mất từ 3-6 tháng.

Theo ông Nguyễn Xuân Trình, Giám đốc marketing JobStreet.com Việt Nam: "Thị trường việc làm trong Quý 2/2014 sôi động hơn so với cùng kỳ năm ngoái, điều này đã tác động tích cực đến tâm lý của người lao động. Họ cảm thấy tự tin sẽ tìm được việc mới với ít thời gian hơn, dẫn đến nhiều người muốn thử "nhảy việc". Tuy nhiên, trước khi "nhảy việc" nên có sự chuẩn bị kỹ để rút ngắn thời gian tìm việc mới. Cần trang bị một bộ hồ sơ ứng tuyển tốt, cập nhật những kỹ năng và kiến thức mới phù hợp với công việc mà bạn muốn chuyển sang. Trong quá trình tìm việc mới, ứng viên đừng nên “rải” hồ sơ quá nhiều mà cần xác định những công việc thật sự thích hợp và nghiên cứu thật kỹ về công ty muốn ứng tuyển. Cuối cùng, cần xác định cho bản thân một mức lương hợp lý để cân bằng lợi ích cá nhân với mức chi trả của doanh nghiệp.

Điều làm người lao động cảm thấy không hài lòng với công việc hiện tại chính là mức lương chưa phù hợp. Bên cạnh đó, môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, mối quan hệ với cấp trên - đồng nghiệp... cũng là những "thủ phạm" khiến người lao động chán nản với công việc. Đặc biệt, văn hóa doanh nghiệp có tác động rất lớn đến tâm lý của người lao động. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp thu hút ứng viên đầu quân cho các công ty, nhất là các công ty vừa và nhỏ. "Thông qua văn hóa doanh nghiệp, ứng viên sẽ hình dung được môi trường làm việc để cân nhắc mình có phù hợp hoặc yêu thích công ty đó không" - ông Lê Quang Phúc, chuyên gia nhân sự, Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Kim, nói - "Các công ty nên tập trung hoàn thiện chất và văn hóa doanh nghiệp để thu hút các ứng viên giỏi". Cùng quan điểm, bà Đỗ Nguyễn Ngọc Thu, chuyên viên nhân sự, Công ty TNHH AEON Việt Nam, cho rằng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp còn giúp các công ty tránh tình trạng lao động xin nghỉ sau một thời gian được tuyển vào làm.

Theo NLĐO, KH&DT