Tăng cường thực hiện chính sách BHYT với trẻ mắc các hội chứng rối nhiễu tâm trí

16/07/2014 03:50 AM


Theo BHXH Việt Nam, hiện có khoảng 200.000 trẻ mắc các hội chứng rối nhiễu tâm trí (RNTT), hay thường gọi là trẻ tự kỷ; đây là vấn đề đáng lo ngại cho toàn xã hội, vì chứng RNTT hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu. Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng cho thấy khoảng 20% học sinh trong độ tuổi tiểu học mắc các chứng RNTT.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chính sách có liên quan. Gần đây Thông tư liên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục - Đào tạo đã có quy định rất rõ ràng về đối tượng này để làm căn cứ cho các cơ quan liên quan thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo trợ xã hội và cấp thẻ BHYT cho các đối tượng trẻ có RNTT.

Tuy nhiên, thực tế trẻ mắc chứng RNTT gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ y tế, BHYT, giáo dục.

Cụ thể, do hệ thống dịch vụ y tế cơ sở không có những bác sỹ chuyên khoa thần kinh. Vì vậy trẻ em mắc các hội chứng RNTT đều phải chuyển lên các tuyến trên để được khám và điều trị ở các khoa tâm thần và phải chi trả hàng trăm nghìn đồng cho mỗi lần khám. Mặt khác khi đi khám, điều trị các bệnh khác, do đặc tính thiếu kiên nhẫn, hợp tác kém của trẻ RNTT nên hầu hết các gia đình phải đưa trẻ đi khám dịch vụ nhằm giảm bớt thời gian chờ đợi. Như vậy thẻ BHYT ít phát huy tác dụng trong khám, chữa bệnh cho trẻ RNTT.

Bên cạnh đó, các hội chứng RNTT cần được phát hiện và can thiệp sớm thì việc điều trị mới có hiệu quả. Hiện nay các dịch vụ này đều do các phòng khám tư nhân, chuyên gia giáo dục đặc biệt thực hiện nên các gia đình phải chi trả với mức chi phí rất cao, trong thời gian dài, có thể tính bằng nhiều năm. Nếu gia đình trẻ không đeo đuổi trường kỳ thì trẻ có nguy cơ cao bị tâm thần, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Sở dĩ có tình trạng trên vì các văn bản hướng dẫn thực hiện luật và chính sách liên quan còn thiếu đồng bộ. Đơn cử, Luật Người khuyết tật được Quốc hội khóa XII thông qua năm 2010 quy định Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư liên bộ số 37/2012 cũng đã xác định rõ đối tượng được trợ cấp xã hội, được cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên thực tế khó triển khai chính sách BHYT cho trẻ bị RNTT, do thiếu các quy định cụ thể từ luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT trong thời gian qua.

Để chính sách BHYT thực sự phát huy hiệu quả hỗ trợ cho trẻ bị RNTT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vừa được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy, các cơ quan chức năng cần xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện luật BHYT mang tính đặc thù cho đối tượng này. Cụ thể như, nên cho phép trẻ bị RNTT được khám, điều trị ở những cơ sở y tế chuyên khoa và được chi trả 80% chi phí khám, điều trị ở các tuyến cơ sở, được hỗ trợ đi lại, sinh hoạt như Luật Người khuyết tật đã quy định về việc khám, điều trị cho người thần kinh, tâm thần. Đặc biệt nên có những chính sách chi trả BHYT cho phần tư vấn điều trị, can thiệp sớm, rèn luyện, và phục hồi chức năng.

Theo Lê Đình Tuấn (báo Đại biểu Nhân dân)