Giải quyết bất cập trong xử lý tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội

16/07/2014 01:48 AM


Việc chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, chủ doanh nghiệp bỏ trốn không giao dịch với cơ quan bảo hiểm... là tình trạng diễn ra tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, song nguyên nhân chính là chế tài xử phạt còn quá nhẹ, cơ quan bảo hiểm xã hội – đơn vị trực tiếp phát hiện vi phạm trên chỉ được nhắc nhở, không có thẩm quyền thanh tra, xử phạt. Do bất cập nên những năm qua dù Đồng Nai đã kiện hàng chục doanh nghiệp chây ỳ thanh toán bảo hiểm ra tòa án nhưng mọi việc vẫn như “nước đổ lá khoai”.


Ảnh minh họa. Nguồn: tienphong.vn

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, tình hình nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn những tháng đầu năm nay diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 960 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên (chiếm 17% tổng số đơn vị tham gia đóng bảo hiểm cho người lao động). Đặc biệt, có 139 doanh nghiệp được xếp vào diện nợ khó đòi với số tiền gần 140 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có số nợ lớn là Công ty Cổ phần Lilama 45-1 (gần 16 tỷ đồng); Công ty Cổ phần sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia (trên 10 tỷ đồng); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hanul Line Việt Nam (trên 7 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Lilama 45-4 (gần 7 tỷ đồng),...

Mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã liên tục nhắc nhở, cử người đến tận doanh nghiệp “đòi” nợ, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai thanh tra, xử phạt, khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án dân sự địa phương. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn không thay đổi. Thậm chí để đối phó với cơ quan chức năng, sau một thời gian dài tòa án ra phán quyết, một số công ty chấp nhận thanh toán một phần số nợ rồi sau đó lại tiếp tục chây ỳ, nợ lại với số tiền cao hơn so với trước.

Ông Phạm Minh Thành, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đồng Nai cho biết: B ất cập lớn trong thời gian qua là cơ quan bảo hiểm quản lý thu, chi về tài chính nhưng khi đi làm việc với doanh nghiệp nợ thì không có quyền thanh tra trực tiếp. Hiện cơ quan bảo hiểm đang tổng hợp danh sách những công ty nợ đọng nhiều năm với số tiền lớn gửi qua thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh để phối hợp xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Để giải quyết bất cập này, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa VIII vừa qua và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua ở kỳ họp tới đã bổ sung nội dung cho phép cơ quan bảo hiểm được thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm của người lao động. Ông Thành cho rằng, quy định này là điều quan trọng để giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội đang có chiều hướng gia tăng hiện nay.

Cùng với đó, Dự thảo Luật còn quy định, người sử dụng lao động vi phạm việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ phải đóng tiền lãi của khoản tiền chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội trong năm. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp phải tuân thủ hơn đối với việc nộp bảo hiểm xã hội đúng kỳ hạn. Thực tiễn cho thấy, do lãi suất hoạt động đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng, mức tiền phạt tối đa trong xử lý vi phạm hành chính còn thấp (cao nhất 30 triệu đồng) nên nhiều doanh nghiệp đã chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian kéo dài; doanh nghiệp trích tiền đóng bảo hiểm từ lương hàng tháng của người lao động nhưng lại không nộp cho tổ chức bảo hiểm mà sử dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, chấp nhận nộp phạt vì tổng số tiền phải nộp phạt và tiền lãi chậm nộp thấp hơn lãi vay ngân hàng.

Theo ông Thành, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đề xuất tăng mạnh lãi suất chậm đóng hiện hành (0,05%) lên gấp 3 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, hoặc gấp 2 lần lãi suất liên ngân hàng là điều hợp lý. Khi sửa đổi Bộ Luật Hình sự, cơ quan soạn thảo cần bổ sung tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động để tăng tính răn đe, chấn chỉnh tình trạng chây ỳ như hiện nay. Việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi nghiêm trọng, mang tính chất chiếm đoạt tiền của người lao động. Do doanh nghiệp thu tiền nhưng không nộp cho cơ quan bảo hiểm dẫn đến người lao động mất quyền lợi. Thực tế tại Đồng Nai có hàng ngàn lao động đứng trước nguy cơ mất trắng chế độ bảo hiểm xã hội do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, cơ quan bảo hiểm không chốt sổ được cho người lao động.

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pousung Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết: Đối tượng bị thiệt thòi, mất quyền lợi lớn nhất trong vấn nạn nợ bảo hiểm xã hội hiện nay là công nhân lao động. Tại Công ty Pousung Vina hiện có 4.000 công nhân (toàn doanh nghiệp có 21.000 lao động) trước khi vào làm việc tại công ty đã làm ở những doanh nghiệp khác nhưng chưa được bảo hiểm xã hội chốt sổ.

Hiện nay, cơ quan bảo hiểm Đồng Nai vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi nợ. Trước mắt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai sẽ làm việc với các doanh nghiệp nợ kéo dài để chấn chỉnh. Ngành bảo hiểm vẫn đang tiếp tục lập hồ sơ khởi kiện ra tòa án dân sự địa phương các đơn vị cố tình chây ỳ thanh toán bảo hiểm. Từ đầu năm 2014 đến nay, Đồng Nai đã khởi kiện 9 doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài./.

dangcongsan.vn